Tại xã Tam Dị, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, một thực trạng đang diễn ra là mặc dù đã 4 - 5 tuổi, nhưng nhiều trẻ em vẫn chưa thể đăng ký khai sinh.
Đây là hậu quả của việc người lao động tìm mọi cách sang nước ngoài làm ăn mà không tính đến hậu quả để lại, khiến những đứa trẻ sinh ra không được hưởng quyền lợi chính đáng của mình. Còn những người bố Việt Nam dù là chồng, là bố đẻ của đứa bé nhưng lại không có danh phận trên giấy khai sinh của con.
Gia đình ông Nguyễn Văn Cừ ở thôn Đại Lãm, xã Tam Dị, huyện Lục Nam có 4 người con đều đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, hai người con trai sang Hàn Quốc đã lấy vợ cùng quê. Điều đáng nói là cả hai người vợ này trên danh nghĩa đã là “vợ” của người khác là người Hàn Quốc. Để thuận lợi trong việc làm ăn, hai con trai ông cũng đăng ký kết hôn với người bản địa. Dù chưa một ngày sống với nhau nhưng pháp luật đã ràng buộc các hôn nhân này.
Vì vậy, dù chung sống và có con với nhau nhưng thực tế việc chung sống của hai người con trai ông Cừ là bất hợp pháp. Hai đứa cháu sinh ra, được gửi về quê cho ông bà chăm sóc nhưng không thể đăng ký khai sinh.
Ông Nguyễn Văn Cừ, Thôn Đại Lãm: “Làm hồ sơ cho các cháu thường cần phải có giấy khai sinh, tuy nhiên giấy khai sinh không có mà chỉ có giấy chứng sinh”.
Sang Hàn Quốc lao động, anh Nguyễn Văn Tuyển, thôn Đại Lãm, xã Tam Dị đã chung sống cùng chị Nguyễn Thị Luyến và sinh ra cháu Nguyễn Ngọc Quang. Khi anh Tuyển về nước, đến làm khai sinh cho cháu Quang thì không thể thực hiện được.
Anh Nguyễn Văn Tuyển, thôn Đại Lãm: “Điều quan trọng nhất là chúng tôi muốn làm giấy khai sinh cho cháu, để cháu được đi học, được bảo vệ các quyền lợi của mình”.
Hiện nay xã Tam Dị có gần 20 trẻ em không đăng ký khai sinh bởi những vướng mắc do quan hệ hôn nhân của người mẹ. Đứa trẻ lớn nhất cũng đã lên 5 và sắp tới tuổi đi học. Để tìm lời giải cho vấn đề này chương trình Cuộc sống thường ngày đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng An, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Lao động - Thương binh và Xã hội.
PV: Thưa ông, với những trường hợp như các cháu bé tại Bắc Giang, theo ông có cách nào để làm giấy khai sinh cho các cháu?
Trước hết, cần thực hiện đúng các hướng dẫn của Nghị định 158, bên dưới Nghị định đó là thông tư hướng dẫn của Bộ Tư pháp 2/6/2008 về vấn đề quản lý đăng ký hộ tịch hộ khẩu. Việc các chị em phụ nữ kết hôn giả sau đó đi nước ngoài lao động, thực ra họ còn không biết mặt chồng của mình là ai, ở đâu, làm gì. Khi sinh ra con thì gặp khó khăn cho con trong việc làm giấy khai sinh.
‘ Cháu nội ông Trần Đình Nguyệt, xã Tam Dị, huyện Lục Nam, Bắc Giang đã gần bốn tuổi nhưng vẫn chưa được khai sinh. (Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại)
Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em cũng đã nhận được nhiều đơm như vậy, chúng tôi đã phối hợp với Cục Hộ tịch của Bộ Tư pháp giải quyết những trường hợp này, thực ra cũng không có sự khó khăn.
Đầu tiên, đứa trẻ cần được khai sinh và nhất thiết phải được khai sinh theo quyền của em bé là phải có giấy khai sinh, tuy nhiên khai sinh phải lấy họ mẹ, ở giấy khai sinh này, người bố vẫn là người nước ngoài theo đúng giấy đăng ký kết hôn. Sau đó, người bố chính là người Việt Nam, sẽ đến nơi mà người mẹ cư trú đăng ký giấy khai sinh cho trẻ, làm đơn đề nghị xác định đây là con của mình để đề nghị chuyển họ trong giấy khai sinh theo họ của bố. Thường những gia đình nông thôn muốn con mang họ bố chứ không phải họ mẹ.
Tuy nhiên, có một số trường hợp khó khăn như cùng một lúc hai, ba ông bố đòi xác nhận đó là con của mình, lúc đó, cần xác định ADN. Trong quy tại khoản 3, điều 15 của Nghị định đã nêu rõ, nếu ông bố có xác nhận đúng là bố đẻ của đứa trẻ thì UBND xã sẽ có trách nhiệm giải quyết luôn, đăng ký khai sinh cho em bé và xác nhận là bố của em bé luôn trong thời điểm đó.
Để có thêm câu trả lời về vấn đề làm khai sinh cho trẻ, mời quý vị và các bạn theo dõi tiếp những tư vấn của ông Nguyễn Trọng An, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trong Video chương trình "Cuộc sống thường ngày".