Doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người dùng trên lãnh thổ Việt Nam. Nội dung này trong Dự thảo Luật An ninh mạng của Bộ Công an đã khiến nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn trong buổi thảo luận tại tổ chiều 13/11.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng cần làm rõ khái niệm "nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet" với "nhà cung cấp các nền tảng công nghệ, mạng xã hội" như Facebook, Google, Skype... vốn là những nền tảng công nghệ được sử dụng rộng rãi và phổ biến tại Việt Nam. Bởi nếu áp dụng quy định này với các hãng công nghệ đa quốc gia có thể ảnh hưởng nhất định đến người dân cũng như doanh nghiệp. Nhiều ý kiến của giới chuyên gia công nghệ, luật sư cũng chia sẻ những băn khoăn này.
Việc sàng lọc thông tin chủ yếu dựa trên nền tảng phổ biến nhất hiện nay là Facebook và Google.
Theo Tổng Cục Thuế, hiện ở Việt Nam có khoảng 13.500 người bán hàng qua Facebook. Còn theo Hiệp hội thương mại điện tử, thị trường tiếp thị trực tuyến của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng rất cao, trên 40%, nhưng chủ yếu nhờ gia công, làm dịch vụ, đại lý cho những hãng công nghệ như Google, Facebook.
Bên cạnh đó, vai trò các hãng công nghệ trên thế giới đối với thị trường rất lớn nên việc buộc các hãng này đặt máy chủ tại Việt Nam có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Chưa kể theo các chuyên gia, việc đặt máy chủ ở đâu không phải là yếu tố quyết định đến vấn đề an toàn thông tin mạng.
Nhận định tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của các điều luật nêu trong dự thảo, đại diện cơ quan soạn thảo Luật An ninh mạng ghi nhận các ý kiến đưa ra trong phiên thảo luận ở tổ chiều 13/11 và chia sẻ quan điểm cần thận trọng, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu để hoàn thiện vào kỳ họp Quốc hội tới.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!