Mở đầu phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa, đã trình bày báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng cháy chữa cháy. Theo đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý, sửa đổi 23/65 điều của Luật hiện hành, bổ sung 5 điều vào dự thảo Luật, đồng thời chỉnh lý kỹ thuật một số điều khoản khác cho phù hợp với quy định của các luật chuyên ngành có liên quan.
‘ Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại các cơ quan, đơn vị, nhà trường là điều hết sức cần thiết. (Ảnh minh họa)
Theo một số đại biểu, từ thực tế một số vụ cháy nổ vừa qua cho thấy, các cơ sở kinh doanh sản xuất, đặc biệt là những trung tâm thương mại là những nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Tuy nhiên, một số địa phương lại chưa đặt công tác phòng cháy chữa cháy đúng tầm quan trọng. Bên cạnh đó, dự án luật cần phải quy định cụ thể về trách nhiệm đối với lãnh đạo địa phương, người đứng đầu các cơ quan và cá nhân, các chủ hộ gia đình để xử lý dứt điểm những trường hợp đã gây ra cháy nổ hoặc không đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy.
Vấn đề về chế độ, chính sách và quy định để đảm bảo vật chất và an toàn cho người làm công tác phòng cháy chữa cháy cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội. Một số đại biểu đề nghị cụ thể hóa quy định về bồi dưỡng người trực tiếp tham gia phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, các đại biểu đề nghị bổ sung quy định việc giảng dạy và tập huấn công tác Phòng cháy chữa cháy trong nhà trường và các cơ quan. Các đơn vị có thẩm quyền phải có quy chế phối hợp với nhau để thực hiện công tác điều tra, chống tội phạm về cháy nổ.
Một số đại biểu cũng đề xuất cần tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm bảo đảm Phòng cháy chữa cháy có hiệu quả tại các khu công nghiệp, các công trình đặc biệt và địa bàn trọng điểm. Quy định rõ các địa bàn, đơn vị được trang bị xe phòng cháy, chữa cháy hiện đại.