Trong phiên thảo luận, các đại biểu đều đồng tình với việc cần sớm sửa đổi và ban hành Luật này nhằm không chỉ khắc phục tình trạng trên 70% khiếu kiện về đất đai, mà còn hướng đến việc đất đai được sử dụng hiệu quả, hợp lý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Một số đại biểu cho rằng, các quy định trong Dự thảo Luật Ðất đai sửa đổi vẫn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng đất, chưa bảo đảm sự hài hòa giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất, nhất là trong việc thu hồi quyền sử dụng đất. Một số đại biểu cho rằng, cần có cơ chế trưng mua, trưng dụng, trong trường hợp thu hồi đất vì các mục đích thương mại và các dự án kinh tế. Có đại biểu đề nghị, để đảm bảo cuộc sống người dân khi bị thu hồi đất, có thể hoán đổi đất nông nghiệp bị trưng mua thành cổ phiếu hoặc áp dụng hình thức đất đổi đất hay nhà đổi nhà.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (thành phố Hải Phòng) nêu ý kiến: Ban soạn thảo cần sửa đổi cơ chế nhà đổi nhà, đất đổi đất, có cơ chế hỗ trợ người nông dân sau khi bị thu hồi đất; hạn chế cơ chế thu hồi đất, tăng cơ chế trưng mua.
Một số đại biểu cho rằng, việc quy hoạch sử dụng đất hiện nay vẫn còn nhiều lãng phí, chồng chéo, không có tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được các yêu cầu về đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội. Một số đại biểu đề nghị chỉ nên quy hoạch ở ba cấp là cấp quốc gia, tỉnh và huyện.
Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) nhấn mạnh việc cần phải lấy kiến của người dân, chủ đầu tư lập dự án về quy hoạch sử dụng đất; bổ sung quy định, lấy ý kiến người dân và chủ đầu tư cả ở các dự án đầu tư, lấy ý kiến tất cả đối tượng của việc quy hoạch dự án, đảm bảo nguyện vọng của người dân.
Một số đại biểu cũng đề xuất cơ chế hỗ trợ đất cho đồng bào dân tộc ít người và nghiêm cấm việc mua bán đầu cơ đất, tránh tình trạng đồng bào dân tộc ít người bị lợi dụng dẫn đến mất đất sản xuất. Các đại biểu cũng đề nghị, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này cần phải được đầu tư công phu, nghiêm túc, huy động mọi nguồn lực để thực hiện nhằm khắc phục tình trạng luật ra đời nhưng vẫn còn tới 600 văn bản hướng dẫn dưới luật khiến cho việc thực thi gặp nhiều khó khăn.