Những ngày trước và trong bầu cử, hầu như ngày nào các ủy viên Ủy ban bầu cử tỉnh Quảng Nam cũng có mặt tại các khu vực bỏ phiếu ở miền núi để vận động bà con trực tiếp thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Ngoài ra, hệ thống phát thanh các địa phương cũng liên tục phát các chương trình bầu cử để bà con hiểu rõ hơn về ý nghĩa ngày hội của non sông.
Trong ngày bầu cử 22/5, các âu thuyền tại Quảng Nam chật kín tàu thuyền ngư dân, hầu như không có con tàu nào ra khơi khi ngư dân chưa bỏ phiếu. Đặc biệt, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức kêu gọi hơn 500 tàu cá với gần 10.000 lao động trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa vào đất liền để kịp đi bầu cử. Đông đảo ngư dân rất kỳ vọng vào các đại biểu kỳ này.
Ngư dân Phạn Phú Thành - cử tri xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam - cho biết: “Tôi kỳ vọng đại biểu quan tâm hơn nữa đến ngư dân để ngư dân tiếp cận các nguồn vốn, đóng mới tàu thuyền tiếp tục bám biển”.
Quảng Nam có 18 huyện thị, trong đó diện tích miền núi chiếm 70%. Dù điều kiện đi lại khó khăn nhưng công tác vận động, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tác động đến nhận thức cử tri. Con số cử tri đi bầu cử gần như tuyệt đối đã thể hiện tính dân chủ của đất nước và niềm tin của cử tri vào những người đại diện cho mình.
Cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là ngày hội lớn non sông, thể hiện tình đoàn kết và sức mạnh của cả dân tộc. Với chính quyền tỉnh Quảng Nam, sau bầu cử, Hội đồng nhân dân các cấp sẽ sớm nhóm họp phiên đầu tiên, bắt tay ngay vào việc ban hành các Nghị quyết có tính đột phá trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của địa phương.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!