Xã Đa Mi được thành lập từ năm 2002. Hàng trăm ha cà phê, cây ăn quả nhiều năm tuổi của nhiều hộ dân nằm đan xen trong khu vực rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi. Mỗi ha đất được định giá hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, việc sang nhượng, mua bán đất đều bằng tín chấp đơn giản vì tất cả đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Theo số liệu của UBND xã Đa Mi, diện tích đất nông nghiệp của toàn xã là hơn 3.500ha, nhưng chưa tới 0,5% đất này được cấp quyền sử dụng đất. Theo đại diện UBND huyện Hàm Thuận Bắc, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự chồng chéo trong việc quản lý đất giữa Nhà máy thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó còn có việc tự lấn chiếm, mở rộng đất của các hộ dân di cư tự do vào địa bàn xã.
Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi nằm trên địa bàn là cơ hội để phát triển kinh tế địa phương, nhưng cũng là thách thức cho chính quyền cấp huyện. Đặc biệt, tốc độ phát triển nhanh và việc tăng dân số đã khiến công tác quản lý càng gặp nhiều khó khăn, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn "dậm chân tại chỗ".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!