Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói về cơ chế đặc thù cho TP.HCM: "Chiếc áo" mặc đã chật, cần thể chế phù hợp hơn

Khánh Nguyễn-Thứ sáu, ngày 24/11/2017 06:00 GMT+7

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chia sẻ bên hành lang Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

VTV.vn - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, cơ chế đặc thù không chỉ cho riêng TP.HCM mà cho cả nước theo tinh thần “TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM”.

Bên lề kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chia sẻ với VTV News một số nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).

Thưa Phó Thủ tướng, ông đánh giá thế nào về những cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM mà Quốc hội đã thảo luận?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: TP.HCM là đô thị đặc biệt, là đầu tàu, động lực cho cả khu vực cũng như cả nước. TP.HCM đóng góp gần 30% thu ngân sách và 23% GDP cả nước do đó, cần phải có thể chế để TP.HCM phát triển. Chúng ta có thể hình dung, "Chiếc áo mặc cho TP.HCM đã chật", giờ cần có thể chế cho phù hợp. Thể chế này mặc dù dành cho TP.HCM, nhưng cũng không chỉ riêng cho TP.HCM mà còn cho chung cả nước.

Trung ương và Bộ Chính trị cũng xác định là cần phải áp dụng cho TP.HCM những chính sách cao hơn pháp luật hiện hành, hoặc kể cả những vấn đề hệ thống pháp luật chưa có. Theo đó, Chính phủ đã trình với Quốc hội để xin thông qua cơ chế đặc thù cho TP.HCM. Tôi xin khẳng định lại, cơ chế này không chỉ cho riêng TP.HCM mà cho cả nước theo tinh thần "TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM".

Tỷ lệ điều tiết của ngân sách Trung ương cho TP.HCM đã có quy định, liệu có thay đổi không, thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tỷ lệ điều tiết từ nay đến năm 2020 vẫn giữ nguyên 18%, không thay đổi. Nghị quyết này trên cơ sở không thay đổi. Cân đối ngân sách dựa trên cơ sở không thay đổi vì phải có thời kỳ ổn định ít nhất là 3 năm. Chúng ta bắt đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới là từ năm 2017 đến 2020.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói về cơ chế đặc thù cho TP.HCM: Chiếc áo mặc đã chật, cần thể chế phù hợp hơn - Ảnh 1.

"Chiếc áo mặc cho TP.HCM đã chật, giờ cần có thể chế cho phù hợp", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Thưa Phó Thủ tướng, khi Nghị quyết về cơ chế chính sách cho TP.HCM được Quốc hội thông qua, TP.HCM cần bắt tay vào làm những việc gì trước tiên?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: TP.HCM cần bám sát nội dung Nghị quyết đã nêu về quản lý đô thị; quản lý xây dựng và đầu tư; tài chính và ngân sách; sắp xếp tinh gọn bộ máy, biên chế; đặc biệt sớm có đề án thực hiện Nghị quyết 18 của Trung ương về tinh giản biên chế, sắp xếp lại các cơ quan trong hệ thống chính trị, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập. Điều này tạo ra xung lực rất lớn cho TP.HCM.

Tôi được biết, chỉ riêng năm 2016, TP.HCM mới chỉ sắp xếp bên trong các cơ quan của hệ thống chính trị, trong đơn vị sự nghiệp công lập mà chi thường xuyên đã tiết kiệm được tới 3-4%. Kinh nghiệm của Thủ đô Hà Nội cũng vậy. Năm 2017, Hà Nội mới chỉ sắp xếp bên trong các phòng, ban, đơn vị ở cấp Sở; gom lại các đơn vị sự nghiệp, chưa giảm được nhiều biên chế mà đã giảm được chi thường xuyên trong tổng chi của TP Hà Nội là 4,85%, đó là chưa kể thu được nhiều đất đai, tài sản trên đất, và tài sản công từ các đơn vị đó để đầu tư trở lại cho hệ thống và các đơn vị sự nghiệp công lập và các lĩnh vực khác.

Ngoài ra, TP.HCM có thể làm gì nữa để tận dụng tốt dư địa phát triển của mình, thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Theo tôi, những thể chế nào cả nước đang có, TP.HCM cần phải làm tốt hơn, ví dụ như ba đột phá chiến lược. Các trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế, về đầu tư, về doanh nghiệp nhà nước, về khu vực tài chính ngân hàng, và khu vực doanh nghiệp công cũng như cơ cấu lại thu chi ngân sách, bảo đảm bền vững nợ công. 5 lĩnh vực tái cơ cấu trọng điểm này, theo tôi, TP.HCM còn nhiều dư địa để phát triển.

Như tôi đã nói nhiều lần, bản thân các cơ chế chính sách trong khung khổ pháp luật nhà nước đã có, với thế mạnh và truyền thống cũng như nguồn của TP.HCM cần phải làm tốt hơn. Ngoài ra, TP.HCM cần tận dụng chính sách tới đây nếu được Quốc hội phê chuẩn, thông qua. Đây sẽ là cơ hội vàng cho TP.HCM phát triển.

Nghị quyết của Quốc hội chỉ cho khung chung, muốn tiến hành phải có đề án, có chương trình cụ thể do Chính phủ, Thủ tướng hay bản thân TP.HCM phê duyệt. Qua đó, huy động tổng lực để thực hiện, thường xuyên đánh giá, cập nhật.

Xin cảm ơn Phó Thủ tướng về cuộc trao đổi!

Theo chương trình làm việc ngày 24/11/2017 tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, vào buổi chiều:

- Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

- Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh trình bày dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

- Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

Thời điểm đã chín muồi để ban hành cơ chế đặc thù cho TP.HCM Thời điểm đã chín muồi để ban hành cơ chế đặc thù cho TP.HCM Kỳ vọng về cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM Kỳ vọng về cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM Chính phủ trình hàng loạt cơ chế đặc thù để phát triển TP HCM Chính phủ trình hàng loạt cơ chế đặc thù để phát triển TP HCM

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước