Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện phát biểu chỉ đạo cuộc họp. (Ảnh: TTXVN)
Để chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII dự kiến diễn ra vào quý I/2021, tại Hội nghị trung ương 8 vừa qua đã quyết định thành lập 5 tiểu ban, trong đó Tiểu ban văn kiện gồm 56 đồng chí do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng tiểu ban.
Theo quyết định của Trung ương, Tiểu ban Văn kiện có nhiệm vụ chuẩn bị báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Đồng thời chuẩn bị báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng và một số văn bản quan trọng khác.
Để giúp việc cho Tiểu ban văn kiện, Ban bí thư cũng đã quyết định thành lập Tổ Biên tập văn kiện gồm 30 đồng chí.
Tại phiên họp đầu tiên này, các thành viên của Thường trực Tiểu ban văn kiện đã thảo luận cho ý kiến báo cáo các công việc đã triển khai của Tổ Biên tập, cũng như dự kiến kế hoạch hoạt động của Tiểu ban Văn kiện và Thường trực Tiểu ban văn kiện từ nay cho đến Đại hội Đảng XIII.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định tầm quan trọng Đại hội XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh Việt Nam trải qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội - Cương lĩnh năm 1991 và 10 năm Chiến lược phát triển Kinh tế - xã hội 2011 - 2020, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Vì vậy, việc chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội phải được tiến hành một cách khoa học, nghiêm túc, bảo đảm thật sự có chất lượng, phản ánh đầy đủ thực tiễn mới của đất nước. Do vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặc biệt coi trọng vai trò tổng hợp của Tổ biên tập văn kiện trong quá trình chuẩn bị các văn kiện đại hội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã định hướng, quan điểm trong quá trình chuẩn bị báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc chuẩn bị báo cáo này trên nền tảng 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của Báo cáo chính trị là trung tâm, hạt nhân của đại hội, tổng hợp những quan điểm đường lối định hướng cho phát triển đất nước giai đoạn 5 năm tới và những năm tiếp theo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu phải quán triệt rõ ràng quan điểm chỉ đạo, phương pháp luận trong quá trình chuẩn bị Báo cáo chính trị.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, các Văn kiện Đại hội mà Tiểu ban văn kiện được giao nhiệm vụ chuẩn bị là một công trình tập thể của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cho nên phải phát huy dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể; có sự tham gia đóng góp của các cơ quan, ban, ngành Trung ương và các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân; của các đồng chí nguyên lãnh đạo, của giới trí thức, các nhà nghiên cứu, quản lý. Trong quá trình thảo luận, bàn bạc, cần hết sức cầu thị, lắng nghe, tôn trọng ý kiến lẫn nhau, cùng tìm ra chân lý, tạo sự thống nhất cao, nhất là những vấn đề mới, vấn đề khó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!