Mới học lớp 9 nhưng Thào A Ngài, trường THCS Sơn Lập, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng đã có 3 con. Vì muốn có thêm người về nhà để lao động, bố mẹ đã hỏi vợ về cho con trai, mặc dù lúc đó A Ngài mới học lớp 5.
Còn cô bé Hoàng Thị Mỵ năm nay học lớp 9, nhưng 2 tuần nay phải bỏ dở việc học hành vì bố mẹ ép lấy chồng. Em sẽ phải về nhà chồng cho dù đã có phản ứng dữ dội, thậm chí còn dọa tự tử, nhưng vẫn không được bố mẹ chấp nhận.
Được hỏi về quyết định gả chồng sớm cho con gái, bà Lý Thị Mái, mẹ của Hoàng Thị Mỵ nói: “Bây giờ gia đình tôi đã nhận tiền của nhà trai rồi, phải cưới, đi lấy chồng là người nhà họ rồi, nếu họ có cho đi học hay không là do nhà họ thôi”.
‘ Những cô gái người Mông lấy chồng và sinh con từ khi mới 15-16 tuổi. Ảnh: Người lao động
Thảo luận tại phiên họp, nhiều thành viên Ủy ban TVQH tỏ ra bức xúc trước tình trạng tảo hôn. Nêu lên thực trạng này trong chuyến công tác tại Thanh Hóa vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: Trên thực tế, một số đồng bào dân tộc thiểu số độ tuổi kết hôn thấp hơn luật quy định hiện nay.
“Đoàn công tác của chúng tôi xuống một số bản, xã của huyện Mường Lát, nơi bà con dân tộc Mông sinh sống ở đó, tuổi nữ kết hôn là rất sớm (14, 15 tuổi). Tôi gặp mấy em rất nhỏ, tay dắt 1 em, sau cõng 2 em, hỏi cháu được mấy con, bảo cháu 6 con rồi. Như vậy vấn đề hôn nhân gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bây giờ khác lắm, cho nên phải rà soát lại”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.
Các đại biểu cũng đề nghị, đối với một số dân tộc thiểu số thì dự thảo cần quy định cụ thể để đảm bảo luật có tính khả thi.