Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là hết thời hạn 6 tháng ngành thủy sản Việt Nam phải chứng minh với Ủy ban châu Âu đã triệt để khắc phục tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp. Thời điểm này, các địa phương đang nỗ lực kết hợp nhiều biện pháp để vừa tuyên truyền vận động, vừa xử phạt kiên quyết tàu thuyền và ngư dân vi phạm.
Huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vốn có số lượng tàu cá và ngư dân vi phạm ngư trường quốc tế nhiều nhất cả nước, vì vậy, ngay trong những ngày đầu năm này, các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức các buổi tuyên truyền: kêu gọi ngư dân không xâm phạm vùng biển nước ngoài.
Buổi tuyên truyền vận động ngư dân không xâm phạm vùng biển nước ngoài được tổ chức tại xã Bình Châu ngay khi vừa hết Tết. Tất cả ngư dân đều phải ký vào bản cam kết đánh bắt đúng ngư trường, đúng quy định của pháp luật. Ngư dân nào đánh bắt thủy sản trái phép hiện cũng đang bị địa phương xử lý kiên quyết. Tàu cá vi phạm bị niêm phong 6 tháng. Thuyền trưởng vi phạm sẽ bị tạm giữ bằng 3 tháng.
Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu cho rằng, vừa tuyên truyền, vừa sử dụng các biện pháp cứng rắn sẽ hạn chế tối đa tình trạng đánh bắt thủy sản trái phép.
Trong năm 2018, tỉnh Quảng Ngãi quyết tâm chấm dứt tình trạng ngư dân đưa tàu ra nước ngoài đánh bắt trái phép. Hiện tại, tỉnh Quảng Ngãi đang tăng cường siết chặt hoạt động nghề biển. Đặc biệt là kiểm soát chặt từng tàu cá hành nghề đánh bắt xa bờ, kịp thời ngăn chặn các tàu cá lén lút ra nước ngoài đánh bắt trái phép trước khi xuất bến.
Kiên quyết chấm dứt đánh bắt thủy sản trái phép
Từ cuối tháng 10 năm ngoái, Ủy ban châu Âu đã cảnh báo: có thể đưa Việt Nam vào danh sách các nước không hợp tác đầy đủ quy định của Liên minh châu Âu về chống đánh cá bất hợp pháp, bởi Liên minh châu Âu chỉ cho phép nhập khẩu hải sản có nguồn gốc rõ ràng, được đánh bắt một cách hợp pháp.
Trách nhiệm xã hội và môi trường trong quy trình sản xuất phải trở thành một tiêu chí nữa đối với nông sản xuất khẩu của Việt nam, để thích nghi với một cuộc chơi lớn hơn ở thị trường quốc tế. Và đây không phải là yêu cầu với riêng Việt Nam, khi ở chính thị trường nhập khẩu như châu Âu, tất cả các mặt hàng đều phải chịu kiểm soát rất ngặt nghèo
Lần đầu tiên, cá Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu có thể bị ngăn cản, không phải là do chất lượng sản phẩm, mà là do cách thức đánh bắt. Cá phải được đánh bắt hợp pháp, không hủyhoại môi trường biển. Đây không phải là rào cản dành cho sản phẩm nhập khẩu. Từ lâu, ngư dân của chính châu Âu cũng buộc phải đăng ký thời gian và địa điểm đánh bắt trên biển, cách thức bắt cá, chủng loại cá và số lượng tối đa dự kiến sẽ đánh bắt, cảng sẽ cập để bốc cá lên bờ.
Châu Âu quan tâm đến cách thức đánh bắt thủy sản
Ủy ban châu Âu cho rằng nhập khẩu cá của những nước không tôn trọng những quy định đó, thì không khác gì đồng loã. Vậy nên mới có hệ thống thẻ vàng thẻ đỏ. Thẻ vàng, cảnh báo. Thẻ đỏ, cấm bán hàng vào châu Âu. Ở Đông Nam Á thì đã có Thái lan và Philippines đã từng nhận thẻ vàng, có Campuchia nhận thẻ đỏ của Ủy ban châu Âu. Nay tới Việt nam nhận thẻ vàng.
Thị trường châu Âu đang chuyển dịch theo hướng tiêu dùng có trách nhiệm, không còn chỉ đòi hỏi sản phẩm phải ngon, phải đẹp, phải rẻ. Ngày càng nhiều người tiêu dùng không muốn mua những sản phẩm mà quy trình sản xuất có hại cho môi trường, nhân công phải làm việc trong điều kiện tồi tệ, hoặc có công đoạn nào đó không hợp pháp. Các doanh nghiệp bán lẻ nơi đây buộc phải chiều theo khách hàng, ngày càng có nhiều siêu thị khẳng định tôn trọng trách nhiệm xã hội và môi trường để có thể bán được nhiều hàng.
Ngày 21/11/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Thủy sản năm 2017. Điểm đáng chú ý nhất trong luật này là 5 năm một lần, ngành thủy sản sẽ đánh giá nguồn lợi thủy sản trên tất cả các vùng biển. Từ căn cứ về trữ lượng, sản lượng, cơ quan chức năng sẽ xác định hạn ngạch khai thác thủy sản theo số lượng tàu cá và hạn ngạch sản lượng cho phép khai thác theo loài. Một số nghề đánh bắt cũng sẽ bị cấm ví dụ nghề lặn biển đánh bắt hải sâm, nghề giã cào, lưới kéo..
Cơ quan quản lý kỳ vọng, từ 1/1/2019, khi luật thủy sản chính thức có hiệu lực, việc khai thác thủy sản sẽ đi vào quy củ. Ngư dân đánh bắt thủy sản sẽ chuyên nghiệp và có trách nhiệm. Thủy sản khai thác sẽ truy suất được nguồn gốc đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường trên thế giới.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!