Những dấu hỏi nếu "xóa sổ" 4 bến xe lớn tại Hà Nội

Minh Đức-Thứ tư, ngày 16/08/2017 14:34 GMT+7

VTV.vn - Sau khi có thông tin TP sẽ "xóa sổ" 4 bến xe nội đô, nhiều người dân thắc mắc việc đi lại, di chuyển sẽ bị thay đổi như thế nào trong những năm tới.

Theo quy hoạch, Hà Nội dự kiến sẽ di dời 4 bến xe lớn nhất ở khu vực nội đô hiện nay là Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát, Gia Lâm. Đến năm 2020, hai bến xe là Gia Lâm và Giáp Bát sẽ được di dời trước. Sau khi có thông tin TP sẽ "xóa sổ" 4 bến xe nội đô, nhiều người dân thắc mắc việc đi lại, di chuyển sẽ bị thay đổi như thế nào trong những năm tới.

Chị Ngân Diệp (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Ngày trước, tôi thường bắt xe khách từ bến Mỹ Đình đi Hải Phòng. Sau khi thành phố điều chuyển luồng tuyến thì tôi phải bắt xe ở bến xe Gia Lâm, xa hơn nhiều so với trước đây. Mới đây, tôi nghe 4 bến xe nội thành sẽ bị phá bỏ, trong đó có bến Gia Lâm, các tuyến xe sẽ được di chuyển ra các bến ngoại thành, xa hơn nhiều. Như vậy việc đi lại của hành khách như chúng tôi sẽ xa hơn, khó khăn hơn trước. Tôi hi vọng thành phố sẽ có phương án thích hợp để hỗ trợ người dân di chuyển đến các bến xe mới trong tương lai".

Không chỉ hành khách, nhiều doanh nghiệp vận tải, nhà xe cũng tỏ rõ sự lo lắng khi các bến xe nội đô bị xóa sổ, các tuyến xe sẽ phải điều chuyển đến những bến xe xa hơn. Thực tế, việc điều chỉnh luồng tuyến sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến lượng khách của các nhà xe, nguy cơ mất khách là điều dễ xảy ra.

Nhà điều hành doanh nghiệp vận tải cho hay, việc chuyển bến mới xa nội đô hơn nên sẽ khiến hành khách di chuyển khó khăn hơn trước. Nhiều hành khách bước đầu sẽ cảm thấy không quen nên có thể sẽ lựa chọn những phương thức di chuyển khác, điều này có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các nhà xe. Mặt khác, một số doanh nghiệp vận tải khác tỏ ra không mấy lo lắng vì tin tưởng bằng uy tín và phương pháp phục vụ tốt sẽ khiến hành khách quen được với việc thay đổi luồng tuyến.

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Hà Nội cho biết, việc thay đổi bến xe sẽ gây ảnh hưởng đến một bộ phận doanh nghiệp và người dân nhưng điều này sẽ đảm bảo được lợi ích chung. Những bến xe mới được bố trí nằm trên các trục hướng tâm ngõ cửa và vành đai 4 theo các hướng vận chuyển hành khách Đông, Tây, Nam, Bắc. Số bến xe mới được xây dựng kết hợp với các điểm đầu, cuối của hệ thống xe bus công cộng và gần nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị, mục đích là thay thế toàn bộ các bến xe khách hiện có ở khu vực nội đô và tạo được sự thuận tiện cho người dân khi di chuyển đến các bến xe. Đến thời điểm các bến xe cũ sau khi bị xóa sổ cũng sẽ trở thành điểm đầu cuối xe bus phục vụ vận tải hành khách nội đô.

Về việc hàng ngàn tuyến xe tại 4 bến xe nội đô được di chuyển về đâu, Sở Giao thông Vận tải cho biết: bến xe liên tỉnh Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát sẽ được chuyển thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe bus phục vụ vận tải hành khách nội đô. Các tuyến của bến xe Gia Lâm sẽ được điều chuyển về bến xe Cổ Bi, bến xe Đông Anh, bến xe Nội Bài, bến xe phía Nam (Ngọc Hồi). Các tuyến của bến xe Mỹ Đình sẽ được điều chuyển về bến xe Cổ Bi, bến xe Nội Bài, bến xe Phùng và bến xe phía Tây mới. Các tuyến thuộc bến xe Giáp Bát sẽ được điều chuyển về bến xe Cổ Bi, Đông Anh, Yên Nghĩa, Ngọc Hồi. Các tuyến xe ở bến xe Nước Ngầm sẽ được chuyển về bến Cổ Bi và phía Nam Ngọc Hồi. Sau khi điều chuyển, bến xe Nước Ngầm sẽ được điều chuyển thành đầu mối giao thông công cộng sau năm 2025.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Từ khóa:

bến xe

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước