TH. Cần Thơ-Thứ tư, ngày 16/01/2013 14:46 GMT+7
Lực lượng chức năng tỉnh Đồng Tháp kiểm tra, xử lý phương tiện vận chuyển hàng quá tải(Ảnh: TH. Cần Thơ)
Theo các cán bộ chiến sĩ đội 2, thuộc phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, công an tỉnh Đồng Tháp ngày cũng như đêm luôn có một nhóm đối tượng mà người dân thường gọi là “cò xe tải” túc trực gần trụ sở làm việc của đơn vị. Những đối tượng này thay nhau theo dõi lực lượng Cảnh sát giao thông, và khi đơn vị xuất phát tuần tra kiểm soát, các đối tượng sẽ bám theo.
Để tìm hiểu thực tế trên, trong đêm 10 tháng 1 vừa qua, đợi khi lực lượng chức năng xuất phát khoảng 10 phút, phóng viên chúng tôi cũng cho phương tiện bám theo. Nhờ thế, chúng tôi đã phát hiện phía trước có một số đối tượng đang thực hiện việc canh đường, để thông tin cho các tài xế chở hàng hoá quá tải. Bằng biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã tạm giữ được đối tượng Lê Phú Sang để xử lý. Chỉ chưa đầy 15 phút, Lê Phú Sang cũng đã nhận được nhiều cú điện thoại nhờ dẫn đường trốn tránh lực lượng Cảnh sát giao thông, của các tài xế xe tải khác.
‘ Các đối tượng canh đường để thông tin cho tài xế xe chở hàng quá tải
Tài xế Nguyễn Văn An, một người điều khiển xe tải biển số 89C 01888 khi bị lực lượng chức năng tạm giữ phương tiện, cũng đã thừa nhận việc thuê mướn các cò dẫn đường để trốn tránh kiểm tra, do chở hàng hoá quá tải trọng cho phép.
Qua đối chiếu sổ sách, theo lực lượng chức năng số tiền mà các cò nhận được từ việc dẫn đường cho các tài xế chở quá tải trọng cao gấp nhiều lần, từ 400- 500 ngàn đồng cho mỗi vụ đưa xe trót lọt. Hành vi của chúng cũng rất tinh vi, không hoạt động độc lập mà có người đứng đầu phân công nhiệm vụ canh đường cho nhiều nhóm. Khi phát hiện có lực lượng chức năng tuần tra trên tuyến đường nào, ngay lập tức các đối tượng này dùng điện thoại thông báo ngay cho các tài xế chở hàng hóa quá tải để tìm cách né tránh.
Từ ngày 6/1 đến nay, lực lượng chức năng cũng đã xử lý được 4 đối tượng chuyên canh đường cho các xe chở quá tải trọng, nhưng tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Theo nghị định 71, hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho người điều khiển phương tiện trốn tránh việc kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Mức phạt này cũng chưa thể hiện được tính răn đe, bởi khoản tiền mà các đối tượng này kiếm được hàng ngày còn cao hơn gấp nhiều lần. Và tình trạng xe chở quá khổ, quá tải vẫn ngang nhiên lưu thông trên các tuyến đường và vi phạm vẫn cứ tiếp diễn.