Tỉ lệ dân số già ở Việt Nam chiếm hơn 7% tổng dân số.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang chứng kiến quá trình già hóa dân số nhanh chóng và sự bùng nổ dân số trẻ trong độ tuổi lao động, chiếm 58% tổng số người lao động trên thế giới. Làm thế nào để tận dụng được đồng thời những lợi ích của giai đoạn dân số vàng và quá trình già hóa dân số để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội là câu hỏi được đặt ra.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đang trải qua thời kỳ dân số vàng, với tỉ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm tới gần 70% tổng dân số khu vực này. Điều này tạo bàn đạp cho sự tăng trưởng, bởi đây là nguồn lực chính thúc đẩy tăng trưởng GDP. Dân số Việt Nam cũng nằm trong xu hướng chung của khu vực, tuy nhiên các chuyên gia nhận định, giai đoạn dân số vàng cũng chỉ kéo dài từ 10-15 năm nữa, vì vậy cần nhanh chóng tận dụng lợi thế của giai đoạn này.
Lao động Việt Nam cần chuyển sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn.
“Việt Nam hiện nay cần giải quyết thách thức về năng suất lao động, thông qua đầu tư thêm vào công nghệ. Lao động cần chuyển sang các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn và phải học hỏi thêm các kỹ năng để cải thiện năng suất” - ông Richard Marshall - Cố vấn chính sách, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) khuyến nghị.
Nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam đang trải qua thời kỳ già hóa dân số nhanh chóng và phải đối mặt với vấn đề “già trước khi giàu”. Các nước này chỉ mất 20 đến 30 năm để dịch chuyển sang giai đoạn dân số già, trong khi đó, với nhiều nước châu Âu phải mất đến cả trăm năm. Từ năm 2011, tỉ lệ dân số già ở Việt Nam chiếm hơn 7% tổng dân số.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!