Một lộ trình tiếp theo để nâng cao hiệu quả đánh bắt cá ngừ, giúp mặt hàng này thâm nhập nhiều hơn vào thị trường Nhật Bản đang được đặt ra. (Ảnh minh họa)
Sự kiện lô cá ngừ đầu tiên của Bình Định xuất khẩu sang Nhật và được đánh giá cao tại thị trường tiêu thụ cá ngừ lớn nhất thế giới này sẽ là một sự khởi đầu mới cho nghề đánh bắt cá ngừ ở khu vực miền Trung. Kết quả này cũng cho thấy những nỗ lực ban đầu trong việc hợp tác giữa Việt Nam – Nhật Bản trên lĩnh vực xuất khẩu mặt hàng thủy sản có giá trị là cá ngừ.
Sau chuyến ra khơi đầu tiên của 4 trong 5 tàu cá được các chuyên gia Nhật chuyển giao kỹ thuật đánh bắt cá ngừ đại dương keo kinh nghiệm Nhật Bản thì có khoảng 30% sản lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Các chuyên gia cá ngừ Nhật Bản đã chỉ ra những nguyên nhân khiến 70% sản lượng còn lại không đạt, đó là ngư dân vẫn còn sai sót trong 1 số công đoạn đánh bắt.
Với ngư dân tham gia vào mô hình, kết quả này tuy không cao nhưng thật sự là niềm vui với họ. Quyết tâm vươn khơi cũng như nỗ lực khắc phục những hạn chế trong chuyến ra khơi đầu tiên khi đánh bắt bằng công nghệ Nhật Bản cũng đã được họ chuẩn bị.
Ngay sau có kết quả trong chuyến đánh bắt đầu tiên, UBND tỉnh Bình Định, Văn phòng Chủ tịch Nước và các đối tác Nhật Bản đã có những thương thảo cho những bước đi tiếp theo trong lô trình triển khai mô hình tổ chức sản xuất cá ngừ đại dương theo chuỗi giá trị. Theo các đối tác Nhật Bản, công việc trước mắt mà tỉnh Bình Định cần làm là đầu tư tu sửa, nâng cấp hầm ướp cá, đồng thời cung cấp thêm cho các tàu cá khác một số thiết bị mới của Nhật để bảo quản, xử lý cá ngừ sau khi câu được. Với sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía Nhật Bản, những bước tiếp theo để đẩy mạnh lộ trình thực hiện mô hình sản xuất cá ngừ đại dương theo chuỗi giá trị gia tăng cũng đã được tỉnh Bình Định đặt ra.
Sắp tới, cùng với tăng cường hỗ trợ cho ngư dân về phương tiện và kỹ thuật đánh bắt cá ngừ đại dương theo phương pháp của Nhật, tỉnh Bình Định cũng sẽ đẩy nhanh thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về hỗ trợ ngư dân. Không chỉ 5 tàu cá mà sẽ có nhiều hơn nữa những ngư dân biết và áp dụng mô hình đánh bắt cá ngừ đại dương theo cách mà Nhật Bản đã chia sẻ. Với những bước đi đầy quyết tâm cộng với sự hợp tác, hỗ trợ nhiệt tình từ phía Nhật Bản, trong những chuyển biển tiếp theo, sản lượng cá ngừ xuất khẩu nguyên con sang Nhật sẽ tăng lên. Từ thành công của mô hình này sẽ tạo ra hướng đi mới bảo đảm phát triển nhanh và bền vững cho nghề đánh bắt cá ngừ ở Nam Trung bộ - nơi có hơn 3.500 tàu câu cá ngừ với hơn 3,5 vạn lao động trên biển.