Hợp tác xã ô tô vận tải và xe du lịch Đà Nẵng hiện có hơn 70 xe ô tô kinh doanh. Gần 1 năm trước, đơn vị này đã tiến hành lắp đặt hộp đen cho toàn bộ số xe của mình. Được biết, ban đầu chủ doanh nghiệp chỉ kí hợp đồng với một nhà cung cấp vì vậy việc theo dõi hoạt động của phương tiện thông qua hộp đen dễ dàng. Nhưng cho đến nay, vì giá thành rẻ đơn vị này đã kí hợp đồng lắp đặt với hàng chục nhà cung cấp hộp đen khác nhau, thế nhưng khó khăn lại bắt đầu nảy sinh từ đây.
“Trong quá trình quản lý mạng, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì hơn 70 xe đã có tới 10 nhà cung cấp hộp đen khác nhau, máy tính lại chỉ có 3. Chúng tôi đề nghị các cấp, các ngành làm thế nào hòa chung một mạng cho các doanh nghiệp vận tải để dễ quản lý”, ông Trần Đoan,Hợp tác xã ô tô vận tải và xe du lịch Đà Nẵng nói.
‘ Ảnh minh hoạ.
Hiện tại, không chỉ có Hợp tác xã ô tô vận tải và xe du lịch Đà Nẵng, mà có rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị vận tải khác trên địa bàn TP Đà Nẵng đã gặp phải tình trạng trên. Ban đầu, giá mỗi hộp đen không dưới 6 triệu đồng, nhưng đến nay giảm còn dưới 3 triệu đồng. Vì vậy, việc lựa chọn nhiều nhà cung cấp cũng xuất phát từ quy luật thị trường, chỉ có điều cứ mỗi nhà cung cấp lại thêm một tên miền, một mật khẩu riêng trong khi máy tính và người theo dõi của doanh nghiệp lại có hạn.
Trên thực tế, dù khó khăn, bất tiện, nhưng việc khắc phục tình trạng này là không thể, ngoại trừ việc doanh nghiệp phải chấm dứt sử dụng hộp đen cũ với một số nhà cung cấp để chuyển sang một nhà cung cấp hộp đen duy nhất cho các phương tiện của mình. Tuy nhiên, điều này không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm được vì liên quan đến kinh phí.
Từ ngày 1/7, các loại xe xe buýt, xe khách, xe hợp đồng và xe container nếu không gắn thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt từ 2-3 triệu đồng theo tinh thần Nghị định 91 của Chính phủ. Nhưng cho dù có chấp hành tốt, không vi phạm 5 tiêu chí như quy định thì rắc rối từ chiếc hộp đen chưa phải đã hết.