Có lẽ chưa bao giờ người dân đồng bằng sông Cửu Long cảm thấy lo lắng, bất an trước tình trạng sạt lở như hiện nay. Không chỉ An Giang, Đồng Tháp, khoảng 1 tuần nay, các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau và Long An cũng đã lần lượt công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở.
Sạt lở không còn tuân theo quy luật tự nhiên. Trước đây hai quá trình sạt lở và bồi lấp xen kẽ nhau, thậm chí bồi nhiều hơn lở, nhờ đó mà ĐBSCL mới được nâng cao và mở rộng ra biển. Nhưng khoảng 20 năm trở lại đây, lượng đất mất đi nhiều hơn phần được bồi lấp.
Thiếu phù sa là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng sạt lở ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Hồ chứa nước ở các đập thượng nguồn như một cái bẫy giữ lại phù sa. Một khi hàm lượng phù sa trong nước ít đi, dòng nước sẽ nhẹ hơn, bị dư thừa năng lượng, chảy mạnh hơn, nó sẽ xói vào bờ và đáy sông để tự bù đắp, cân bằng động lực, dẫn đến sạt lở.
Theo nghiên cứu của Lu và Siew (2005), sau khi đập Mạn Loan trên dòng chính của Trung Quốc đi vào vận hành năm 1993, lượng phù sa phía hạ lưu đã giảm một cách rất rõ rệt. Hàm lượng phù sa trung bình tại các trạm Tân Châu, Châu Đốc, Cần Thơ, Mỹ Thuận đã giảm đến 20 – 30%
Theo một nghiên cứu mới nhất của Ủy hội sông Mekong, khi xây dựng hoàn thành các thủy điện, hồ chứa theo quy hoạch trên dòng chính và dòng nhánh sông Mekong, đến năm 2040, lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn khoảng 4%. Không còn phù sa thì không còn bồi lắng, khi đó, sạt lở có lẽ sẽ còn nhanh hơn, phức tạp hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!