Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa điều trị các rối loạn liên quan đến lạm dụng chất (khoa H), Bệnh viện tâm thần Hà Nội, nếu sử dụng ma túy đá với hàm lượng cao sẽ gây ngộ độc. Thời gian để thuốc có tác dụng sau khi uống là 1 giờ, trong vòng vài phút với đường tiêm. Thời gian tác dụng có thể kéo dài từ 2 - 12 giờ.
Nếu sử dụng ma túy liều cao sẽ gây kích thích, toàn thân đổ mồ hôi, run tay chân, tăng thân nhiệt. Tình trạng kích thích quá nặng có thể khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng ngộ độc, nhịp tim và huyết áp tăng; tăng thân nhiệt; giãn đồng tử; thở nhanh; khô miệng và khó nuốt, nếu nặng có thể gây tình trạng mất nước và sốt cao... Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Nguyên nhân của sốc ma túy đá thường do lượng ma túy dùng và độ tinh chế của loại ma túy đó. Nếu ma túy có độ tinh chế càng cao thì nguy cơ ngộ độc càng thấp. Còn ma túy đá có độ tinh chế thấp, chứa nhiều tạp chất, nguy cơ ngộ độc là rất cao. Do các tạp chất này không xác định được nên rất khó cứu chữa cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, khả năng ngộ độc ma túy đá cũng tùy thuộc vào cơ chế dung nạp của mỗi người.. Người mới sử dụng luôn có nguy cơ sốc ma túy cũng cao hơn người đã dùng nhiều lần.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trước đây việc sử dụng heroin rất phổ biến, nhưng những năm trở lại, người chơi đang có xu hướng sử dụng những loại ma túy mới. Đáng chú ý là ma túy có almetamin dưới dạng kẹo, đá, lắc rất nguy hiểm do đây là một chất độc bị cấm dùng trong y tế, việc sản xuất cũng rất phức tạp. Trước đây, các ca nhập viện vì ma túy đá tại trung tâm chủ yếu là bệnh nhân loạn thần, ảo giác, kích thích không ghi nhận tử vong, nhưng giờ bệnh nhân nặng hơn, hôn mê, co giật, loạn nhịp tim, huyết áp, tính mạng bị đe dọa.
Bác sĩ Nguyên cũng khuyên cáo, ngày càng có quá nhiều loại ma túy mới xuất hiện, núp bóng dưới nhiều hình dạng, tên gọi và cách sử dụng khác nhau. Nếu phát hiện có biểu hiện khó thở, co giật, hôn mê, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong lúc chờ xe cấp cứu nên để bệnh nhân nằm nghiêng, tránh chất nôn tràn vào đường thở.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!