Người dân phải chia sẻ nguồn nước tưới để bảo vệ vườn cà phê. (Ảnh: Báo KH)
Tại thời điểm cuối tháng 3, vùng trồng cà phê ở xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đã bước vào giai đoạn tưới nước đợt 2. Nhiều hộ dân trồng cà phê đã phải túc trực ở rẫy từ sau Tết Nguyên đán để chờ đến lượt tưới nước cho vườn cà phê nhà mình. Nhiều hộ đã chủ động đào, khoan lòng ao, hồ với hy vọng cứu được cây cà phê.
Gia đình ông Mai Văn Khang, xã Sơn Lâm có 3 ha cà phê. Với tình trạng khan hiếm nước tưới như hiện nay, ông chỉ mong tưới được khoảng một nửa diện tích. Ông Khang cho biết: “Đến thời điểm này nếu có mưa cũng chỉ mong giữ được cây cà phê chứ năng suất năm nay xem như mất hết, cây ra bông mà không có nước thì khô, trái rụng hết”.
Xã Sơn Lâm có gần 240 ha cây cà phê, tuy nhiên hồ thủy lợi của địa phương từ đầu tháng 2 đến nay không có nước, không thể đảm bảo nguồn nước cung cấp cho vụ cà phê năm nay. Theo kiến nghị của người dân, cần xây đập tràn để dẫn nước về vườn, tuy nhiên đã hơn 4 năm kiến nghị vẫn không có gì thay đổi. Toàn xã có 167 giếng, ở thời điểm khô hạn hiện nay đã có 120 giếng trong tình trạng hết nước.
Ông Mai Văn Khang cho biết thêm: “Chúng tôi chỉ mong cơ quan chức năng sớm đầu tư xây dựng đập để bà con chủ động nước tưới, nếu sang năm tình trạng nắng nóng lại kéo dài như thế này là một vụ nữa bà con thất thu”.
Ông Mấu Thanh Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lâm cho biết: “Theo khảo sát, địa phương cần 5 đập tràn dẫn nước, tuy nhiên tới nay mới chỉ xây dựng được 1 đập. Với tình hình khô hạn như năm nay, bà con nông dân xác định thất thu, chỉ hi vọng có mưa để giữ được cây”.
Tại huyện Khánh Sơn có hơn 600 ha cây cà phê. Nếu như mọi năm việc tưới nước cà phê đều do mỗi hộ tự thực hiện thì năm nay để tiết kiệm nước, bà con đã cùng phối hợp, hỗ trợ nhau trong việc điều tiết nguồn nước tưới, nhà có giếng khoan hỗ trợ cho nhà không có.
Thời tiết khắc nghiệt trong thời gian qua đã dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn nước ở nhiều nơi đặc biệt là ở các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Giải pháp về lâu dài để người dân có thể chủ động nguồn nước tưới bằng việc xây dựng các hệ thống thủy lợi phù hợp với từng địa phương là điều mà các ngành chức năng cần sớm lưu tâm thực hiện.