Đến thời điểm này, mực nước lũ tại đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn ở mức thấp. Theo phân tích của một số chuyên gia, mực nước ghi nhận tại trạm Tân Châu (An Giang) ngày 21 và 22/8 cho thấy, nước lũ đổ về rất yếu và vẫn còn ảnh hưởng mạnh của thủy triều Biển Đông.
Trông đợi hơn 1 tháng qua, ông Tăng Văn Phương (xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang) vẫn chưa thể đặt lọp cá chạch vì nước lũ chưa về. Bỏ ra hơn chục triệu đồng để mấy trăm cái lọp nhưng giờ lọp để không.
Nhà ông Tạ Văn Lễ nằm ngay ngã ba sông, giáp biên với nước bạn Campuchia. Tại đây, từ tháng 6 Âm lịch hàng năm đã ngập sâu nhưng giờ vẫn um tùm cỏ dại. Ông Lễ từng có hơn 400 cái lọp cá lóc nhưng đã bán gần hết, phần vì sức khỏe, phần vì thấy cuộc sống phụ thuộc vào con nước quá bấp bênh.
Dụng cụ khai thác thủy sản nằm bờ, chợ xã vì thế cũng thiếu vắng hầu hết các loại sản vật đặc trưng của mùa lũ. Khu bán cá chỉ có cá nuôi, còn khu bán rau thì hầu hết là rau trồng. Sản vật mùa nước nổi khan hiếm cũng đồng nghĩa rất nhiều người không có thu nhập trong lúc nông nhàn.
Không chỉ vậy, hàng ngàn hộ dân ở vùng đầu nguồn hai tỉnh An Giang, Đồng Tháp sống dựa vào khai thác và nuôi thủy sản mùa nước nổi. 3 tháng mùa nước, nếu thắng lợi, có thể đủ sống cho cả một năm. Thế nhưng, khi đồng bằng sông Cửu Long liên tục đón những mùa lũ thấp, lũ trễ thì chuyện kiếm cơm hàng ngày đối với nhiều gia đình gặp nhiều khó khăn. Cái khó trước mắt đã rõ, nỗi lo và hệ lụy sẽ còn kéo dài đến tận những vụ mùa kế tiếp.
Khi không có lũ, ngoài những khó khăn trong đời sống thì đồng bằng sẽ phải đối mặt với tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn do thiếu phù sa bồi đắp. Lũ về đang là điều mong đợi của nhiều người dân ĐBSCL lúc này dù đã khá trễ.
Nỗi buồn mùa nước nổi trễ hẹn VTV.vn - Dù đã qua rằm tháng 7 âm lịch, lũ vẫn chưa về ĐBSCL. Hầu hết những ngư lưới cụ đánh bắt đều đang phải nằm bờ, người dân ngồi chờ với những nỗi niềm chồng chất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!