Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tuần từ ngày 1-7/4, Việt Nam ghi nhận 31 trường hợp mắc mới COVID-19, trong đó 22 trường hợp được xét nghiệm dương tính khi đã ở trong khu cách ly tập trung (chiếm 71%), điều này hạn chế việc lây lan dịch bệnh trong cộng đồng và thể hiện tính đúng đắn khi thực hiện các biện pháp cách ly.
Báo cáo cũng cho biết, số ca mắc trong tuần chỉ bằng 42% số mắc so với tuần trước đó (từ 25/3 đến 31/3) cho thấy kết quả việc thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 1/4 theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo quan sát, người dân đã ít ra đường hơn, ý thức được việc ở nhà giai đoạn hiện nay đóng vai trò quan trọng trong việc chống dịch. Tuy nhiên, theo ông Trần Đắc Phu - Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam thì thời điểm này vẫn chưa đánh giá được hiệu quả, dịch vẫn có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Sau 1 tuần giãn cách xã hội, vẫn còn một bộ phận người dân bắt đầu chủ quan và lơi lỏng việc bảo vệ chính bản thân mình cùng gia đình. Trong ngày 9/4, số lượng người đổ ra đường tham gia giao thông tăng đột biến, các tuyến phố như Cầu Giấy, Nguyễn Chí Thanh có mật độ phương tiện giao thông cao cấp 3-4 lần những ngày trước đó. Một số khu chợ dân sinh hay vài hàng quán vỉa hè hoạt động trở lại. Việc này gây nhiều ảnh hưởng đến công tác chống dịch.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, trong tuần qua, ca bệnh có giảm, song nếu cho rằng như vậy mà dịch bệnh đã giảm, dẫn tới chủ quan là cực kỳ nguy hiểm. Nếu không thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội, người dân ra đường, tiếp xúc nhiều trong khi dịch đang âm thầm trong cộng đồng và bùng lên lúc nào không biết.
Dự báo trong thời gian tới có thể ghi nhận thêm một số trường hợp tại cộng đồng liên quan đến một số ca bệnh có lộ trình di chuyển phức tạp (như bệnh nhân số 183, 237 và 243) và một số ổ dịch đã được khoanh vùng cách ly như BV Bạch Mai, quán bar Buddha, ca bệnh 151 ở Hà Nam không biết rõ nguồn lây từ đâu.
Các chùm ca bệnh ở những ổ dịch hiện vẫn đang tiếp tục được xử lý, như ổ dịch Bạch Mai đến 18h ngày 8/4, đã rà soát 53.592 người bao gồm: 2.272 cán bộ y tế của bệnh viện, 4.352 bệnh nhân nội trú, 1.885 bệnh nhân ngoại trú, 23.598 bệnh nhân khám ngoại trú, 9.468 người thân/người chăm sóc, 617 nhân viên phục vụ và 10.571 người khác liên quan.
Trong số này đã tiến hành cách ly 28.810 người, lấy mẫu xét nghiệm 23.305 người, 8 mẫu dương tính (đã công bố), 15.860 mẫu âm tính, số còn lại đang chờ kết quả. Các địa phương đã thực hiện việc cách ly và kiểm soát người đến Bệnh viện Bạch Mai.
Tại ổ dịch quán bar Buddha có 18 ca nhiễm có liên quan, đã tiến hành rà soát, quản lý 2.400 trường hợp, cách ly theo dõi 222 trường hợp, lấy 196 mẫu xét nghiệm.
Ổ dịch ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh (Hà Nội) đã lấy mẫu xét nghiệm 270 người trong số 316 người (là F1 của cả 2 bệnh nhân), kết quả 269 mẫu âm tính. Toàn bộ thôn Hạ Lôi với 11.077 người đã cách ly, phong tỏa.
Còn ổ dịch ở tỉnh Hà Nam, bước đầu xác định hơn 600 trường hợp là F1, F2 liên quan tới bệnh nhân 251. Ngành Y tế tỉnh Hà Nam cho hay, đến nay vẫn chưa xác định được F0 của ca bệnh này.
Cũng như một số ca bệnh bị mất dấu F0 khác, biết rõ nguồn lây mới khoanh vùng, dập dịch tốt được. Toàn bộ Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam và thôn 3 Ngô Khê, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục nơi bệnh nhân cư trú đã bị phong tỏa, cách ly. Hiện tại, đã lấy 140 mẫu đối tượng F1 xét nghiệm, có kết quả âm tính với 99 mẫu, số còn lại đang chờ kết quả.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!