Sau khi triển khai thực hiện Nghị định 67, nhiều ngư dân đã bắt đầu vươn khơi với những con tàu công suất lớn bằng vỏ thép. Tuy nhiên, nhiều tàu sau một thời gian ngắn đã hư hỏng khiến ngư dân lâm vào cảnh nợ nần, lao đao khi vay vốn đóng tàu với số tiền lớn. Thêm vào đó, khó khăn trong việc trú ẩn và cứu hộ cũng là những vấn đề mà ngư dân đang gặp phải đối với tàu vỏ thép.
Đã 26 ngày qua, tàu cá BĐ 99168TS bị mắc cạn ở vùng biển xã Cát Trinh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Máy xúc, máy hút cát, phao lớn đều đã huy động nhưng vẫn không thể đưa tàu ra ngoài, thậm chí có thời điểm cát lấp phần thân tàu đến hơn 1m.
Đầu tháng 4 vừa qua, trong lúc vào bờ để bán hải sản sau chuyến ra khơi đầu tiên, tàu vỏ thép nặng 200 tấn của ngư dân Ngô Lê Hát đã gặp sự cố khi cách bờ biển Cát Trinh 10km. Tuy nhiên, ngư dân này đã gặp lúng túng trong xử lý nên sóng đẩy tàu sâu vào bờ.
Một thực tế cho thấy: đội tàu vỏ sắt đang phát triển mạnh nhưng ngư dân chưa được đào tạo căn bản trong việc xử lý sự cố khi tàu bị hỏng hóc hay gặp nạn. Như vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải có các chính sách đào tạo để ngư dân nắm vững kiến thức ử dụng tàu cá cũng như ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Tại Bình Định, hiện có hơn 30 tàu vỏ sắt đi vào hoạt động, còn các tỉnh duyên hải miền Trung là hơn 100 tàu. Tại nhiều tỉnh, nhiều tàu cá trong thời gian qua, sau chuyến ra khơi đầu tiên đã bị hỏng và gặp nạn công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!