Vụ việc VTVcab, Đài THVN buộc phải dừng phát sóng, tường thuật các trận đấu bóng đá kể từ vòng bán kết lượt về trong khuôn khổ Champions League - Cúp C1 châu Âu và Europa League là một thông tin gây nhiều nuối tiếc với người hâm mộ. Việc dừng tường thuật yêu cầu của phía đối tác quốc tế, với lý do VTV cab đã không thể ngăn chặn được tình trạng vi phạm bản quyền. Thời gian qua, nhiều trang báo mạng và một số đơn vị truyền thông của Việt Nam đã truyền dẫn tín hiệu trái phép, hoặc lấy hình ảnh giải đấu từ VTVCab phát trên các trang báo mạng.
Dù VTV cab đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn , nhưng vẫn không tránh khỏi việc là nạn nhân của những hình thức vi phạm bản quyền tràn lan.
Truyền hình Việt Nam đã phải bỏ ra nhiều tiền để có được hợp đồng phát sóng các trận cầu đỉnh cao tại Champions League, nhưng lại còn phải tự bảo vệ sản phẩm đó trong một môi trường mà tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ diễn ra rất phổ biến. Đó là một bất cập. Và khi xảy ra những tranh chấp pháp lý, không chỉ VTV mà khán giả cũng chịu thiệt thòi.
Những người làm chương trình Vấn đề hôm nay, đã mời đến trường quay luật sư Vũ Phan Tuấn - một chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực bản quyền từ công ty Phan Law Việt Nam để bàn về câu chuyện này.
Là một luật sư theo dõi vụ việc, ông có thể nói cụ thể về những khía cạnh pháp lý trong vụ vi phạm bản quyền mà VTVcab là nạn nhân? Theo hợp đồng ký với đối tác cung cấp bản quyền cúp C1, VTV cab có nghĩa vụ bảo vệ bản quyền mà mình đã mua được. Thực tế thì VTVcab đã nỗ lực trong việc bảo vệ bản quyền như thông báo với các đơn vị vi phạm, với Bộ TT Truyền thông để yêu cầu xử phạt, rồi khởi kiện. Nhưng có vẻ như những biện pháp đó ĐANG không có hiệu quả?
- Luật sư Phan Vũ Tuấn: Thực tế, VTVcab bị vi phạm bản quyền ở quá nhiều hình thức khác nhau vì thế các nỗ lực ngăn chặn các hành vi vi phạm của họ không thể đạt hiệu quả.
Thứ nhất, sự vi phạm là quá nhiều, tới mức, những người đồng phân phối với VTVcab cũng không biết họ được cấp phép bản quyền trong lĩnh vực nào, nhiều khi họ chỉ được cấp phép trên truyền hình nhưng lại phát trên Internet…
Thứ hai, các website, mạng xã hội cứ vô tư lan truyền, livestream các nội dung mà không biết rằng đó là hành vi vi phạm hoặc thậm chí họ biết nhưng vẫn cố tình vi phạm.
Thứ ba, các trang tin điện tử cắt xén các clip của các chương trình để sau đó xuất bản dưới hình thức tin tức, tuy nhiên, đó cũng là những hành vi vi phạm đã được quy định ở trong hợp đồng.
Nói cách khác, VTVcab rất khó để cùng lúc kiểm soát tất cả các hành vi vi phạm, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay công nghệ giúp cho các hành vi vi phạm được thực hiện quá dễ dàng.
Vậy theo ông liệu có giải pháp nào để đối phó với tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan này? Chẳng lẽ những ai nghiêm túc với vấn đề bản quyền phải chấp nhận thua thiệt?
- Đây là một câu hỏi khó, không phải chỉ dành cho Việt Nam mà cho tất cả các nước. Vấn đề ở chỗ khi chúng ta là chủ sở hữu bản quyền và chúng ta có quyền sử dụng thì chúng ta phải tìm ra giải pháp hợp lý. Tuy nhiên, giải pháp hợp lý đó cũng phải nằm trong một môi trường hợp lý.
Theo tôi, ở Việt Nam hiện tại thì giải pháp với vấn đề xâm phạm bản quyền đang gặp khó khăn ở rất nhiều yếu tố. Yếu tố thứ nhất là yếu tố về khung pháp lý. Mặc dù khung pháp lý Việt Nam tiệm cận với khung pháp lý quốc tế tuy nhiên nó chưa phải là khung pháp lý phù hợp nhất.
Yếu tố thứ hai là các cơ quan quản lý nhà nước cần phải có sự quan sát, hỗ trợ đối với các đơn vị sở hữu, đơn vị thu mua bản quyền.
Yếu tố thứ ba là vấn đề về nhận thức. Nhận thức về bản quyền ở Việt Nam chưa cao. Như tôi đã nói, nhiều đơn vị cắt ghép các đoạn clip không biết họ làm như vậy là sai luật, các đơn vị tái phát sóng không biết việc truyền lên Internet là sai.
Yếu tố cuối cùng vô cùng quan trọng đó là vấn đề về ý thức. Những năm trước, một số đơn vị có thể đổ tại là vì VTV không tường thuật trực tiếp, tuy nhiên, năm nay VTV đã mua bản quyền, đã tường thuật trực tiếp các trận đấu, do đó, khả năng tiếp cận với thông tin của họ là rất dễ dàng. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục xâm phạm.
4 yếu tố tôi vừa kể trên là những yếu tố rất quan trọng. Một khi chúng ta thay đổi được thì mới hy vọng có một môi trường bảo vệ bản quyền…
Để theo dõi trọn vẹn nội dung cuộc trao đổi với luật sư Vũ Phan Tuấn về vấn đề bản quyền, mời độc giả quan tâm theo dõi qua VIDEO đính kèm.