Công việc này tuy thủ công nhưng ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn của đoàn tàu nếu không kịp thời phát hiện những lỗi của thiết bị.
Theo quy định, mỗi toa xe được khám trong 6 phút. Mỗi ban có 3 người, trung bình khoảng 30 phút kiểm tra xong 1 đoàn tàu. Mỗi ngày, những nhân viên này phải kiểm soát an toàn từ 17 đến 22 đoàn tàu. Dịp cao điểm Lễ, Tết lên tới 40 đoàn tàu. Điều này cũng đồng nghĩa toàn bộ thời gian làm việc trong ngày của họ là ở dưới gầm tàu.
Người trong nghề gọi vui việc kiểm tra các toa tàu trước khi vận hành là "ngửi" tàu.
Với công việc khám toa xe này, nếu không cẩn trọng, chỉ một sự cố nhỏ không kịp phát hiện cũng sẽ dẫn đến nhiều yếu tố gây mất an toàn, thậm chí lật tàu. Vì thế, các nhân viên đều phải tập trung cao độ để phát hiện lỗi, nhận định và phân loại những lỗi có thể khắc phục ngay hoặc những lỗi nào buộc phải yêu cầu cắt lại toa đưa về xưởng sửa chữa.
Nghề "ngửi" tàu với nhiều người là cái tên nghe khá lạ nhưng công việc của họ lại mang yếu tố quyết định đầu tiên cho mỗi đoàn tàu đi, tàu đến ga được an toàn.
Ngành đường sắt đã có những việc làm kịp thời, thay đổi rõ nét công tác đảm bảo an toàn chạy tàu. Thế nhưng, vẫn còn nhiều yếu tố khác có thể dẫn tới tai nạn đường sắt, trong đó phải kể tới hơn 4.200 lối đi dân sinh tự mở cắt ngang đường sắt, hơn 14.000 vị trí vi phạm hành lang đường sắt uy hiếp an toàn chạy tàu.
Chính vì thế, để đảm bảo an toàn đường sắt, một mình ngành đường sắt chưa đủ mà còn cần sự vào cuộc của chính quyền các địa phương, sự nghiêm túc chấp hành luật giao thông đường sắt của người dân.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!