Giá thịt lợn hơi đã tụt sâu xuống dưới 25.000 đồng/kg, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp trong vòng 10 năm trở lại đây, khiến người nuôi lỗ nặng.
Cần giải cứu hàng ngàn hộ nuôi trước nguy cơ phá sản bởi những trang trại quy mô trung bình 1.000 - 1.500 con, mỗi tháng sẽ lỗ tới 1,5 tỷ đồng. ‘’Trang trại càng lớn, càng chết nặng" khi mà ở Đồng Nai có những trang trại nuôi tới gần 27.000 con, đây là những phát biểu đầy chua xót về những gì đang diễn ra của ngành chăn nuôi lợn tại Việt Nam của Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán trên tờ Lao động.
Việc nhập khẩu hơn 7.000 tấn thịt lợn trong quý I/2017 cũng được xem là một trong các lý do khiến ngành chăn nuôi lợn điêu đứng
Về giá thịt lợn giảm xuống thấp chưa từng có trong 10 năm trở lại đây, tờ Gia đình Xã hội đã chỉ ra hàng loạt nguyên nhân. Theo đó, giá thịt giảm, nguyên nhân là do Trung Quốc ngừng nhập thịt từ Việt Nam từ cuối năm ngoái trong khi số đàn lợn tăng vọt. Thêm vào đó, việc nhập khẩu hơn 7.000 tấn thịt lợn trong quý I/2017 được ví như giọt nước làm tràn ly, khiến tình cảnh người chăn nuôi càng thêm bi đát.
Ngoài việc cung vượt cầu, sự khó khăn của những ngành chăn nuôi lợn còn đến từ việc, con lợn hiện tại đang "cõng" quá nhiều các loại phí khác nhau.
Cụ thể, mặc dù chi phí thú y đã được Bộ Tài chính điều chỉnh giảm từ cuối năm 2016. Nhưng tính chung mọi chi phí cho một con lợn đang quá lớn. Tờ Lao động đã liệt kê ra hàng loạt các loại phí mà con lợn hiện đang phải "cõng" như: Phí giám sát cách ly, lệ phí cấp giấy kiểm dịch động vật, phí thẩm định vùng an toàn dịch bệnh, phí kiểm tra lâm sàng đối với lợn…
Đặc biệt có những loại phí như phí kiểm dịch bị thu tới 4 lần trong cả 4 khâu từ khâu nhập giống, bán giống, xuất chuồng đến khâu ra lò, giết mổ. Ngoài ra người nuôi còn phải trả thêm tiền chi phí vaccine, thuốc thú y cùng nhiều chi phí khác.
Trước sự "nguy kịch" của ngành chăn nuôi lợn, ngay trong tuần này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã có văn bản trình Thủ tướng 2 nhóm giải pháp để cứu ngành này. Đáng chú ý ở nhóm giải pháp trước mắt là việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị dừng nhập khẩu và tăng thu mua để cấp đông.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị dừng nhập khẩu và tăng thu mua để cấp đông
Bộ cũng kiến nghị các giải pháp khoanh nợ, giãn nợ cho người chăn nuôi, người kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thú y. Bộ cũng chủ trương giảm quy mô đàn lợn, nhất là đàn lợn nái từ 4,2 triệu con xuống mức khoảng 3 triệu con nái.
Ngay sau khi có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã sắp xếp cuộc họp với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm và doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Theo kế hoạch, cuộc họp sẽ diễn ra vào thứ 2 tới để bàn cách giúp các hộ chăn nuôi qua cơn bĩ cực và tìm cách tiêu thụ gấp thịt lợn cho bà con nông dân. Trong đó, giải pháp giải pháp giảm giá thức ăn nhằm giảm chi phí cho các hộ nuôi rất quan trọng. Bởi nếu thức ăn đầu vào tiếp tục tăng thì người nuôi không thể chịu đựng được và sớm gục ngã.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!