Người đã từng vinh dự có mặt tại cả hai chiến trường quan trọng nhất, chiến dịch Điện Biên Phủ 7/5/1954 và chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng mùa xuân 30/4/1975 với tư cách phóng viên chiến trường - đại tá, nhà văn, nhà báo quân đội Nguyễn Trần Thiết luôn lưu giữ trong tâm trí những khoảnh khắc quý báu của dân tộc.
‘ Đại tá, nhà văn, nhà báo quân đội Nguyễn Trần Thiết cùng ký sự - tiểu thuyết “Dương Văn Minh - tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn” (Ảnh khai thác)
Là tác giả của trên 90 cuốn sách trong đó nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Ông tướng tình báo và hai bà vợ ”, “Lính biệt động” và gần đây nhất là ký sự - tiểu thuyết “Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn”, nhà báo lão thành Nguyễn Trần Thiết là một trong những người có nhiều tác phẩm báo chí, văn học viết về Quân đội nhân dân Việt Nam đã được nhận giải thưởng của Hội nhà văn.
Những ký ức không thể nào quên trong cuộc đời cầm bút, khi được chứng kiến cả hai sự kiện quan trọng nhất của kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Gần 90 tuổi đời với trên 60 năm cầm bút, đại tá, nhà văn, nhà báo lão thành Nguyễn Trần Thiết, dù sức khoẻ đã giảm sút nhiều, song những ký ức về hai cuộc kháng chiến của dân tộc, khi ông có mặt để chứng kiến sự đầu hàng của tướng De Castries và Tổng thống Dương Văn Minh vẫn luôn là những kỷ niệm vẹn nguyên nhất trong mọi câu chuyện.
Người phóng viên chiến trường áo đã bạc màu vì xông pha trận mạc, hàng trăm bài báo, hàng chục cuốn tiểu thuyết về người lính, đời lính với ông, là tài sản giá trị nhất của nghiệp cầm bút.
Người cựu binh già đã đi qua hai cuộc chiến tranh, đang dùng chính những tác phẩm để đời của mình để gửi lại thông điệp hào hùng về lịch sử cho con, cháu và thế hệ trẻ, chân thật và đầy thuyết phục.
‘ Đại tá, nhà văn, nhà báo quân đội Nguyễn Trần Thiết trong cuộc trò chuyện. (Ảnh: VTV News)
Trò chuyện cùng với phóng viên VTV, đại tá, nhà văn, nhà báo quân đội Nguyễn Trần Thiết chia sẻ: "Tôi rất vui vì được làm báo, có lẽ có rất ít người ở nước ta có được cơ hội chứng kiến hai thời khắc đầu hàng của hai cuộc chiến quan trọng của dân tộc. Ở Điện Biên Phủ, lúc đó tôi mới được hậu phương gửi tới chiến trường, mới bắt đầu vào nghề báo.
Điều thú vị là được sống ở thời khắc lịch sử đó sẽ có nhiều cơ hội để so sánh. Cờ của trận đánh Điện Biên Phủ là cờ trắng hoàn toàn, hầm của hai bên chỉ cách nhau vài chục bước và bắn tỉa liên tục. Tới 7/5 khi quân Pháp kéo cờ hàng, bất cứ cái gì có màu trắng như bông trắng, băng trắng, dù trắng… chúng cũng đưa ra để báo hiệu đầu hàng. 30/4/1975 lại hoàn toàn khác, cờ của Mặt trận dân tộc nửa đỏ nửa xanh ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Nhân dân đã cảm thấy thực sự phấn khởi khi hình ảnh lá cờ được đưa ra, cờ đó là cờ của lòng dân, viết nên trang sử hào hùng.
Mọi người đều nói tới Điện Biên Phủ, nhưng không ai biết được cái khổ của Điện Biên:
“Ăn cơm cá mắm.
Tắm nước Nậm Rôm.
Nằm ôm bọ chó.
Hứng gió Kà Tầy…”
Khi đó đánh nhau thì quên khổ, không nghĩ tới cái khổ, nhưng khi dừng lại mới thấy quãng thời gian đó gian khổ tới mức nào, mới kể khổ.
Có những sự kiện trọng đại của đất nước mà mình được chứng kiến thì thực sự đó là niềm hạnh phúc, do đó là những khoảnh khắc không bao giờ có thể lặp lại được. Do vậy, lúc đó người làm báo rất quan trọng, không ai thay được vị trí của người làm báo để lưu giữ lại được những khoảnh khắc đó".
Mời quý vị và các bạn theo dõi Video cuộc trò chuyện với đại tá, nhà văn, nhà báo quân đội Nguyễn Trần Thiết về những khoảnh khắc lịch sử hào hùng của dân tộc.