Nhiều khả năng, bão số 16 sẽ đổ bộ vào khu vực các tỉnh, từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau. Cơn bão được nhận định là: mạnh nhất từ trước đến nay, đối với khu vực này vì vậy, các địa phương nằm trong vùng nguy hiểm, đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó...
Tỉnh Tiền Giang đã triển khai, tổ chức trực ban 24/24 giờ, kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão từ rất sớm do diện hoạt động của tàu thuyền trên vùng biển rộng lớn. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cũng được yêu cầu có các biện pháp sơ tán khi cần thiết. Hạ tầng nơi lưu trú nếu có tình huống xấu xảy ra trong bão cũng được chuẩn bị đáp ứng cho khoảng 40.000 người.
Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo 24 quận huyện, các sở ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 16 và khẩn trương thực hiện các phương án phòng tránh, ứng phó bão trong mọi tình huống theo phương châm "4 tại chỗ, 3 sẵn sàng". Những khu vực có nguy cơ sạt lở cao phải tổ chức lực lượng, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện để chủ động quyết định sơ tán, di dời dân khi cần thiết. Chỉ tính riêng huyện Cần Giờ, có hơn 500 căn nhà cần được chằng chống và sẵn sàng di dời khoảng 5.000 dân ở khu vực xung yếu nếu bão đổ bộ vào khu vực này.
Tỉnh Kiên Giang đã cấm biển, không cho tàu thuyền hoạt động kể từ chiều 23/12. Học sinh, công nhân các nhà máy, các khu công nghiệp cũng được tính toán cho nghỉ để đảm bảo an toàn. Tỉnh Kiên Giang có khoảng 300 hộ dân cần phải sơ tán nếu bão đổ bộ. Việc neo đậu tàu thuyền tránh trú bão an toàn cũng đã được thực hiện bắt đầu từ chiều 23/12.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hơn 4.000 tàu với hơn 19.000 ngư dân đang đi biển đã được thông báo, hướng dẫn vào bờ. Số tàu thuyền neo đậu tại bến là gần 3.700 tàu cùng gần 16.000 ngư dân.
Số tàu thuyền neo đậu tại tỉnh khác là hơn 400 tàu và hơn 3.000 người. Số tàu thuyền còn hoạt động trên biển là gần 1.700 tàu cùng gần 9.000 ngư dân, số này được xác định là đang hoạt động ngoài vùng nguy hiểm.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!