"Đợt mưa bất thường, chưa từng thấy trong nhiều năm" là đánh giá về tình hình mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ trong tuần qua. Bất ngờ, bị động, khiến cho những hậu quả mưa lũ gây ra vô cùng nghiêm trọng. Con số thiệt hại "dâng lên" theo nước lũ mỗi ngày.
Những hình ảnh 4 ngôi nhà của xóm Khanh, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình bị vùi lấp hoàn toàn sau trận sạt lở kinh hoàng, đã cho thấy phần nào sự thảm khốc do trận mưa lũ lịch sử này gây ra.
Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, thông thường vào mùa Thu, khi xuất hiện không khí lạnh hoặc áp thấp nhiệt đới gây mưa to. Nhưng mấy ngày qua, hai yếu tố này lại kết hợp tạo nên một đợt mưa lớn ở khu vực Hòa Bình với tổng lượng mưa ở khu vực này đạt 300-400 mm, có nơi xấp xỉ 500 mm. Cá biệt có điểm như Bát Mọt (Thanh Hoá) gần 600 mm hay Kim Bôi (Hòa Bình) 550 mm. Lượng nước mưa rơi xuống khu vực này trong 3 ngày bằng 1/5 lượng mưa của cả 1 năm cộng lại.
Trước diễn biến mưa lũ phức tạp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hủy các cuộc làm việc tại Hải Phòng để về tỉnh Ninh Bình chỉ đạo ứng phó với mưa lũ đang hoành hành, đe dọa tính mạng người dân.
Trong mưa lũ, hình ảnh những cán bộ, chiến sỹ túc trực ngày đêm, quên ăn quên ngủ để bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân cũng đã để lại ấn tượng xúc động.
Báo Quân đội nhân dân: "Hơn 13.500 bộ đội và dân quân giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ"
Lực lượng vũ trang với hơn 13.500 người đã di dời được 11.534 hộ dân, cứu được 10 người bị lũ cô lập, gia cố được 1.200m đê, vận chuyển được 17 tấn gạo, thu hoạch lúa giúp dân, ứng phó các sự cố về đê điều.
Báo Lao động: "Còn 1% hy vọng, cũng phải tìm kiếm cứu người"
Tại xóm Khanh, Hòa Bình, trời mưa lạnh, hàng chục cán bộ, chiến sĩ mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ, người lấm lem bùn đất, đào bới, lần theo những dấu vết tìm nạn nhân. "Còn 1% hy vọng cũng phải tìm kiếm cứu người".
Khi những trận mưa tạm dừng, nước bắt đầu rút, trên báo chí, vấn đề lớn nhất của trận lũ này được đem ra mổ xẻ. Tờ Lao động đặt câu hỏi, đợt mưa này chưa phải lớn nhất và không kéo dài, tại sao tỉ lệ thương vong lại lớn như vậy? Phải chăng công tác dự báo và ứng phó có sai sót?
Trước nhiều ý kiến trái chiều, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia Lê Thanh Hải khẳng định, đã theo dõi chặt chẽ, cảnh báo sớm áp thấp nhiệt đới và cảnh báo về các đợt mưa lớn.
Tuy nhiên, do mưa lớn nhiều ngày trước đó, cộng với đợt mưa dồn dập của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, nên sự cộng hưởng lớn, gây nên nhiều thiệt hại. Theo ông Hải, số liệu quan trắc ghi nhận được, vào cuối tháng 10, chưa bao giờ xảy ra đợt lũ lớn như đợt này.
Những hạn chế trong công tác dự báo đã được khẳng định tại cuộc họp về công tác ứng phó với đợt mưa lũ. Theo đó, trên thực tế, lượng nước đổ về hồ Hòa Bình khác xa so với dự báo của cơ quan khí tượng với chênh lệch rất lớn, từ 6.000 - 10.000 m3/s, khiến mực nước trong hồ tăng cao bất thường. Lần đầu tiên trong lịch sử, hồ Hòa Bình đã phải mở 8 cửa đáy để xả lũ, khiến mực nước sông Hồng, sông Thái Bình tăng nhanh đột biến. Rõ ràng, rất cần những giải pháp cấp bách để khắc phục đối với công tác dự báo trong những đợt mưa lũ tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!