Câu chuyện về BOT giao thông là "điểm nóng" thời sự trong những ngày qua. Kêu gọi xã hội hóa trong việc đầu tư hạ tầng giao thông là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện loại hình đầu tư BOT này, thời gian qua đã xảy ra một số vấn đề, gây bức xúc dự luận. Những vụ việc này một lần nữa cho thấy cần phải minh bạch trong các dự án BOT giao thông.
Tuyệt đối chấm dứt chỉ định thầu; BOT là phải làm đường mới và cần có cơ chế để người dân giám sát hiệu quả... đó là 3 trong 8 nhiệm vụ giải pháp quan trọng nhất được nhắc tới trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như quyết tâm của Chính phủ đang được kỳ vọng là sẽ xử lý được những tồn tại, bất cập của hình thức đầu tư hạ tầng giao thông BOT, cũng như thực hiện minh bạch trong khai thác các công trình giao thông BOT.
Ngoài việc khẳng định từ nay sẽ không làm BOT trên quốc lộ sẵn có, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng phân tích về các giải pháp đưa ra với BOT Cai Lậy. Nếu Chính phủ chọn phương án đặt trạm thu phí trên tuyến tránh, Nhà nước sẽ phải bỏ ra 1 khoản kinh phí mua lại phần đầu tư trên Quốc lộ 1 và phần đầu tư tuyến tránh. Còn nếu thu cả tuyến tránh và quốc lộ, việc thu phí trên quốc lộ sẽ ít hơn và thời gian thu sẽ ngắn hơn.
Bộ GTVT sẽ tiếp tục tìm giải pháp đối với BOT Cai Lậy, cũng như tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các phương án để so sánh, lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, đơn vị, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ quyết định khi thời hạn tạm dừng thu phí kết thúc.
(Ảnh minh họa: Người Lao Động)
Rõ ràng, khi cách làm chưa minh bạch, giám sát chưa tốt sẽ gây ra những sự việc đáng tiếc như vừa qua. Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đang đàm phán với các nhà đầu tư BOT để đưa ra mức phí hợp lý hơn. Trong ngày 8/12, nhiều địa phương đã công bố các quyết định giảm phí BOT cho ô tô khi qua trạm.
Cụ thể, trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp trên Quốc lộ 1 qua TP. Cần Thơ sẽ giảm phí từ ngày 20/12 tới. Mức giảm từ 7 - 15% với các phương tiện, xe bus được miễn phí. Riêng với phương tiện thuộc khu vực lân cận là phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ và xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang được giảm 30-35% so với mức hiện tại. Như vậy, sau khi giảm, mức phí thấp nhất của ô tô dưới 12 chỗ qua trạm là 35 nghìn đồng/lượt.
Trạm thu phí đường cao tốc Liên Khương - Đà Lạt, tại Lâm Đồng sẽ giảm phí từ ngày 18/12. Ô tô dưới 12 chỗ ngồi giảm còn 30.000 đồng/lượt, thấp hơn 6.000 đồng so với hiện nay.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!