Theo thống kê sơ bộ, Ban quản lý 14/20 hồ đập thủy điện ở miền Trung đã chủ động điều tiết nước về hạ du ở thời điểm mưa chưa lớn và nước về hồ chưa cao.
Tại Quảng Nam: Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 đã bắt đầu xả lũ theo các cửa tràn về hạ du sông Vu Gia với lưu lượng tính đến ngày 15/10 là 3.000m3/s. Trong khi đó, nhà máy thủy điện A Vương cũng chủ động điều tiết nước về hạ du.
Tại Ngệ An: Lãnh đạo tỉnh đã quyết định xả lũ hồ Vực Mấu - một trong những hồ lớn nhất trên địa bàn. Rút kinh nghiệm việc xả lũ hồ Vực Mấu trong cơn bão số 10 gây ngập lụt trên diện rộng, thiệt hại cho thị xã Hoàng Mai trên 830 tỷ đồng, lần này việc xả lũ đã được thông báo đúng quy định. Ngoài ra, trong ngày hôm nay (16/10), hồ thủy điện Bản Vẽ cũng chính thức bắt đầu xả lũ với lưu lượng từ 300-1.000m3/s. Huyện Tương Dương và một số xã nằm trong vùng có nguy cơ sẽ phải chịu ít nhiều ảnh hưởng.
Tại Thừa Thiên Huế: Các hồ thủy điện A Lưới, Bình Điền, Hương Điền đã bắt đầu xả lũ. Trong các hồ thủy điện trên, dung tích phòng lũ của hồ thủy điện Hương Điền là thấp nhất, chưa đến 1m.
Điều đáng nói là theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, trong ngày 15/10 lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Bắc Tây Nguyên đã lên. Hôm nay (16/10), lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh cũng có nguy cơ dâng cao. Cùng với việc các hồ chứa xả lũ, nguy cơ ngập úng tại các địa phương này là rất dễ xảy ra.