Hơn 1 tháng qua, sau khi đăng tải những bài viết, các cảnh báo về hiện tượng lừa đảo bán hàng trên Facebook trên các kênh sóng của VTV, phóng viên Đài THVN đã nhận được hàng nghìn chia sẻ từ người tiêu dùng. Trong đó, rất nhiều người cho biết đã từng bị lừa với chiêu thức tương tự những gì phóng viên đã phản ánh. Tuy nhiên, khi tìm cách phản ánh với Facebook về việc bị lừa đảo, đề nghị hỗ trợ đóng lại những trang gian dối này, người tiêu dùng gặp nhiều trở ngại.
Khi liên hệ với Facebook gặp khó, nhiều người tiêu dùng đã quyết định tìm đến các cơ quan chức năng, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng. Cũng có một vài trường hợp được giải quyết, nhưng đó chỉ là con số rất rất nhỏ. Nguyên nhân là do việc xử lý được những trường hợp lừa đảo trên Facebook như thế này đòi hỏi nhiều điều kiện, sự phối hợp chặt chẽ từ các bên liên quan.
Cần phải nhìn nhận một thực tế là Facebook trên danh nghĩa chỉ là một mạng xã hội, việc quản lý hoạt động thương mại điện tử không nằm trong phạm vi trách nhiệm của họ. Tuy nhiên, đối với thực trạng người dùng hay cơ quan chức năng gặp nhiều vướng mắc khi liên hệ, Facebook cần phải nhìn nhận thẳng thắn trách nhiệm của mình và nên cải tiến hơn. Mặt khác, một trang Facebook bán hàng có thể lừa đảo rất nhiều nạn nhân. Tuy nhiên, các nạn nhân lại không biết nhau để cùng chung tay khiếu nại, tố cáo, dẫn đến việc cơ quan chức năng khó xử lý.
Các chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng nếu muốn tránh bị lừa khi mua sắm trên mạng xã hội nên nắm rõ một số lưu ý cơ bản để nhận biết đâu là trang bán hàng uy tín, đâu là trang bán hàng lừa đảo. Bên cạnh đó, dù trên nền tảng nào, môi trường nào, vai trò quyết định chính vẫn ở người tiêu dùng. Chúng ta hoàn toàn có quyền từ chối dịch vụ, hàng hóa… từ những trang Facebook đáng ngờ, đừng vì số tiền nhỏ mà sẵn sàng đánh liều với những gì không chắc chắn bởi điều chúng ta nhận được có thể là sự bực bội, tức giận mà không phải cứ có tiền là giải quyết được.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!