Các hãng taxi công nghệ Uber và Grab bắt đầu có mặt tại Việt Nam từ hơn 2 năm trước. Loại hình vận chuyển thông qua ứng dụng kết nối trên điện thoại thông minh giữa hành khách và lái xe của các hãng này đã mang lại nhiều tiện ích cho người dùng so với taxi truyền thống.
Trong 2 năm thực hiện thí điểm theo Quyết định của Bộ Giao thông Vận tải, số lượng xe Uber và Grab đã tăng vọt, lên tới 80.000 xe, theo thống kê của Hiệp hội Taxi. Con số này vượt quá xa so với số lượng xe thí điểm đề ra trước đó. Uber và Grab có đặc điểm chung là xây dựng trên nền tảng lợi ích của người tiêu dùng. Thuận tiện, giá rẻ, định vị chính xác được đánh giá là ưu điểm vượt trội, giúp 2 hãng này nhanh chóng thu hút đông đảo khách hàng.
Ngày 19/12, Bộ Giao thông Vận tải đã tổng kết, đánh giá 2 năm triển khai Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ vận tải hành khách theo hợp đồng này. Loại hình Uber và Grab được đánh giá là đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, nhưng đang đặt ra nhiều vấn đề cho các cơ quan quản lý.
Tại hội nghị, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện vẫn chưa biết được mức giá các đơn vị này áp dụng cho khách là bao nhiêu, vì sao liên tục tăng giá giờ cao điểm và khuyến mãi thất thường trong khi taxi truyền thống phải tuân thủ gắt gao quy định này.
Không thể phủ nhận những ưu việt của Uber, Grab như minh bạch hóa thông tin lái xe, giá tiền đối với khách hàng, nhưng đại diện một hãng taxi cho rằng, Uber và Grab đang được ưu ái hơn taxi truyền thống. Trong khi taxi truyền thống phải đầu tư bến bãi, đầu xe, chịu thuế GTGT 10% từ hoạt động vận tải, Uber, Grab núp dưới bóng là kinh doanh phần mềm được hưởng thuế suất 0% và không phải chịu ràng buộc gì.
Kết luận hội nghị, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sẽ tổng hợp ý kiến và trình Chính phủ để có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với hoạt động này để tránh gây áp lực lên hạ tầng và thất thu cho ngân sách Nhà nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!