Thương hiệu nước mắm Nha Trang đã được khẳng định từ lâu. Tuy nhiên, nhiều cơ sở làm nước mắm tại thành phố Nha Trang lại nằm trong khu dân cư, gây ảnh hưởng đến người dân. Dù kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất nước mắm ra khỏi nội thị đã được đặt ra, nhưng đến lúc này, một mặt bằng để sản xuất nước mắm vẫn còn là điều mong mỏi của những người gắn bó với nghề làm nước mắm truyền thống.
Không dễ tìm đến cơ sở sản xuất nước mắm Châu Sơn (Nha Trang, Khánh Hòa) khi nó nằm giữa khu dân cư, trong con hẻm. Đây cũng là nỗi khổ của người làm nước mắm truyền thống như ông Sơn.
Để đưa cá vào làm mắm, với con đường nhỏ, cơ sở buộc phải trung chuyển, phát sinh tốn kém. Khó khăn hơn, làm mắm đòi hỏi phải có mặt bằng mà ở khu dân cư giữa thành phố Nha Trang, điều đó không dễ dàng.
Nếu cả làng làm nước mắm, mọi người dễ dàng chấp nhận không gian sống lúc nào cũng đậm mùi mắm. Nhưng hiện tại, nhà này làm, nhà khác lại không. Phản ứng chuyện làm mắm giữa khu dân cư là khó tránh khỏi. Những cánh cửa, không thể ngăn mùi mắm phát tán khắp khu dân cư.
Từ chỗ có đến 200 cơ sở, đến lúc này Nha Trang chỉ còn khoảng 30 cơ sở làm nước mắm truyền thống, với năng lực 15 triệu lít nước mắm/năm. Nước mắm Nha Trang đã có thương hiệu, không thể không vực dậy ngành sản xuất từng là thế mạnh của địa phương này. Nhưng vực dậy như thế nào khi chưa có mặt bằng sản xuất?
Mới đây nhất, Hiệp hội Nước mắm Nha Trang cùng với cơ quan chức năng thống nhất phương án đưa các cơ sở sản xuất nước mắm ra khu vực Trảng É, cách trung tâm Nha Trang 30km. 20 cơ sở sản xuất nước mắm đã đăng ký quỹ đất 43ha.
Thế nhưng, bế tắc trong tìm kiếm mặt bằng sản xuất vẫn còn kéo dài, cũng đồng nghĩa những khu dân cư vẫn phải sống chung với ô nhiễm. Còn những cơ sở sản xuất nước mắm tiếp tục mong chờ có được mặt bằng sản xuất, để nước mắm Nha Trang có thêm cơ hội khẳng định thương hiệu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!