Trước những hệ lụy mà tin giả gây ra, tuần qua, tờ Lao động đã có bài viết với hàng tít rất mạnh: Không thể tiếp tục "nhờn luật".
Tờ Lao động đã chỉ ra những ví dụ về sự hoành hành của tin giả: Giả mạo và thổi phồng tác hại của dịch tả lợn châu Phi để thu hút sự quan tâm nhằm câu like, hỗ trợ bán hàng online. Giả mạo quyết định của lãnh đạo tỉnh, thậm chí giả mạo cả quyết định của bộ trưởng để thổi giá đất.
Những tin giả này đã gây xáo trộn, thiệt hại cho xã hội mà nếu không áp dụng nghiêm chế tài sẽ dẫn đến tình trạng "nhờn" luật.
Hành vi phát tán tin tức giả sẽ bị phạt hành chính. Trong trường hợp nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm, người tung tin có thể bị truy cứu hình sự và phạt tù từ 3 tháng - 7 năm về tội vu khống.
Hiện Việt Nam có khoảng 58 triệu người sử dụng mạng xã hội Facebook. Nói như vậy để thấy được rằng, quy mô và tốc độ lan tỏa của mỗi cú nhấp chuột like và share của chúng ta lớn đến như thế nào. Đã có án phạt thật cho một tin giả, nhưng liệu như vậy đã đủ răn đe?
Theo tờ Thanh niên, Đức, Pháp, Nga đã đều ban hành luật ngăn chặn tin giả. Trong đó, mức phạt tin giả của Pháp và Nga lần lượt lên đến hàng chục nghìn Euro và 1,5 triệu Rubble, tương đương gần 23.000 USD. Do vậy, cơ quan quản lý Việt Nam ngoài tăng mức xử phạt, có thể bổ sung thêm quy định mang tính rằng buộc không chỉ với người sử dụng mà với cả chính Facebook, Google, những nền tảng mà tin giả hoành hành.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!