Báo cáo nêu rõ diễn biến bão số 5 và dự báo mưa lũ ở các khu vực có thể chịu ảnh hưởng. Đặc biệt, BCĐ Trung ương về Phòng, chống thiên tai lo ngại, kinh nghiệm ứng phó với bão của người dân ở khu vực bão số 5 có thể đổ bộ còn hạn chế. Đây từng là khu vực đã bị thiệt hại rất nặng nề về người, thủy sản do bão Damrey số 12/2017 và sạt lở đất, lũ quét do mưa lũ sau bão số 8 năm 2018.
Ngoài ra, BCĐ Trung ương về Phòng, chống thiên tai cũng đưa ra công tác chỉ đạo cụ thể và những công việc cần quan tâm để ứng phó bão số 5 trên Biển Đông.
I. DIỄN BIẾN BÃO SỐ 5 VÀ DỰ BÁO MƯA LŨ
1. Bão khẩn cấp:
Chiều 29/10, ATNĐ trên biển Đông đã mạnh lên thành Bão số 5.
Hồi 04h00 ngày 30/10, tâm bão trên khu vực Tây Bắc quần đảo Trường Sa, cách Bình Định – Ninh Thuận khoảng 350km về phía Đông. Sức gió cấp 8, giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: Bắc Vĩ tuyến 10,5 độ VB.
Dự báo
- Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc (15-20km/h) và có khả năng mạnh thêm;
- Đến 16h00 ngày 30/10, tâm Bão ngay trên vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận. Sức gió cấp 9, giật cấp 11;
- Chiều tối ngày 30/10 bão đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa gió cấp 6, giật cấp 8 (cao trình đỉnh triều lên từ 2,0 - 2,4m tại Quy Nhơn; 1,2 – 1,5m tại Nha Trang vào lúc 20 -23h ngày 30/10) và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Đông Cam-pu-chia.
2. Gió mạnh :
- Khu vực Bắc và giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, sau tăng lên cấp 9, giật cấp 11; biển động rất mạnh.
- Sáng ngày 30/10, ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận (bao gồm đảo Lý Sơn) có gió mạnh dần lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11; ở Nam Vịnh Bắc Bộ và vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động.
- Chiều ngày 30/10, trên đất liền các tỉnh Quảng Nam, Ninh Thuận có gió mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 9; các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 10.
3. Dự báo mưa:
- Từ ngày 30/10 đến 31/10, ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên có mưa 300-400mm/đợt; riêng Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa 400-600mm/đợt.
- Từ ngày 31/10 đến 02/11 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa 200-300mm/đợt; riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình 300-500mm/đợt.
- Từ ngày 04/11 đến 05/11 mưa lớn có khả năng xuất hiện trở lại ở các tỉnh Trung Bộ.
4. Dự báo lũ:
- Từ ngày 30/10, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ. Mực nước đỉnh lũ trên trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, Khánh Hòa lên mức báo động BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3; trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, Phú Yên, Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên lên mức BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ2.
- Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên.
- Nguy cơ ngập lụt sâu diện rộng tại các vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa.
5. Sóng biển và nước dâng do bão:
- Do ảnh hưởng của Bão, sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 4-7m; biển động rất mạnh; Vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận và khu vực giữa Biển Đông có sóng cao trên 5,5m. Các khu vực Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Quần đảo Hoàng Sa, Bắc Biên Đông có sóng cao từ 3 đến 4,5m.
- Vùng biển từ Bình Định đến Bình Thuận có nước dâng từ khoảng 0,20 đến 0,35m; riêng khu vực Vạn Ninh - Khánh Hòa có nước dâng cao nhất khoảng 0,62m.
II. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM VÙNG ẢNH HƯỞNG CỦA BÃO
1.Dân cư:
- Khu vực dân cư đông đúc, kinh tế phát triển nhiều đô thị lớn và khu du lịch, nghỉ dưỡng, dọc dải ven biển và trên các đảo có khách du lịch trong nước và quốc tế;
- Kinh nghiệm ứng phó với bão của người dân còn hạn chế (đã bị thiệt hại rất nặng nề về người, thủy sản do bão Damrey số 12/2017 và sạt lở đất, lũ quét do mưa lũ sau bão số 8 năm 2018).
2. Các đợt thiên tai tương tự cùng thời điểm:
- Năm 2016: Đợt mưa lớn tại Quảng Bình, Hà Tĩnh đạt 1.000mm/đợt; Quảng Ngãi đạt 916mm/đợt.
- Năm 2017: Bão Damrey xảy ra cùng thời điểm gây thiệt hại nặng nề; mưa lớn tại Quảng Nam, tổng lượng đạt 1.145mm/6 ngày;
- Năm 2018: Tại Khánh Hòa, mưa 01 ngày đạt hơn 400mm; tại Hà Tĩnh đạt 937mm/đợt, Quảng Bình trên 1.000mm/ đợt.
3. Tình hình tàu thuyền:
Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng (đến 16h00 ngày 29/10) đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 56.715 phương tiện/278.407 người biết diễn biến, hướng di chuyển của Bão:
- Hoạt động trong khu vực nguy hiểm: 557 tàu/6.230 người (Quảng Nam 11, Quảng Ngãi 166, Bình Định 40, Khánh Hòa 47, Bình Thuận 06, Phú Yên 287), trong đó:
+ Giảm: 352 tàu/2967 người (Đà Nẵng: 02,Quảng Nam: 37, Quảng Ngãi: 14, Bình Thuận: 09).
- Hoạt động khu vực khác và neo tại bến: 56.158 tàu/272.177 người, tăng 299 tàu/216019 người.
Tàu bị sự cố: (02 tàu)
- Tàu BĐ 98413 TS/06 LĐ đang được các tàu trong tổ đội đang hỗ trợ kéo ra ngoài phạm vi nguy hiểm;
- Tàu BĐ 96389 TS/08LĐ, lúc 06h ngày 30/10, tàu Hải quân (KN411) đã tiếp cận và lai dắt vào đảo Phú Quý để tránh bão.
4. Thông tin về khu vực, vùng NTTS trong ảnh hưởng của Bão:
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, khu vực có khả năng ảnh hưởng hiện có 93.263 ô lồng (tại Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận).
5. Tình hình sản xuất nông nghiệp:
Diện tích lúa chưa thu hoạch trong vùng ảnh hưởng:
- Các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ: diện tích lúa chưa thu hoạch 64.688 ha;
- Các tỉnh vùng Tây Nguyên: diện tích lúa chưa thu hoạch 28.000 ha.
6. Tình hình hồ chứa:
a) Hồ chứa thủy điện:
Các hồ khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên đang vận hành bình thường, không có hồ chứa xả tràn, trong đó mực nước các hồ chứa khu vực Nam Trung Bộ đang ở mức rất thấp.
b) Hồ chứa thủy lợi:
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, mực nước các hồ chứa cụ thể:
- Khu vực Bắc Trung Bộ dung tích bình quân đạt từ 60%-85%, hiện còn 53 hồ chứa đang hư hỏng và 20 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp.
- Khu vực Nam Trung Bộ còn ở mức thấp, dung tích bình quân đạt từ 40 - 72%, hiện còn 24 hồ chứa đang hư hỏng và 34 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp.
- Khu vực Tây Nguyên dung tích bình quân đạt từ 72 - 89%, hiện còn 41 hồ chứa đang hư hỏng và 18 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp.
7. Tình hình đê điều và sạt lở bờ biển:
Theo báo cáo nhanh của các địa phương và trao đổi qua điện thoại với Trực ban, Lãnh đạo các Chi cục Đê điều và PCLB (Chi cục Thủy lợi), tình hình đê biển Đà Nẵng đến Bình Thuận tính đến hồi 19h ngày 29/10/2019 như sau:
- Có 08 vị trí đê, kè biển xung yếu, cần quan tâm (Quảng Nam: 01, Bình Định: 02, Khánh Hòa: 03, Ninh Thuận: 02).
- Có 02 tuyến kè biển đang thi công (Đà Nẵng: 01; Quảng Ngãi: 01).
- Khu vực bờ biển từ Nghệ An đến Bình Thuận đang có diễn biến sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
III. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ
1. Trung ương:
- Phó Thủ Tướng - Trưởng Ban chỉ đạo đã có Công điện số 16/CĐ-TWPCTT ngày 29/10 gửi các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh Tây Nguyên, các Bộ ngành chỉ đạo triển khai ứng phó với ATNĐ, bão, mưa lũ;
- Sáng 29/10 Ban chỉ đạo TW PCTT tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Bộ Trưởng - Phó Trưởng Ban thường trực chỉ đạo triển khai công tác ứng phó ATNĐ gần Biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão;
- Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Thủy lợi đã kiểm tra tại Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; Sáng 30/10 đoàn công tác Văn phòng Thường trực BCĐ đi kiểm tra các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam;
- Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Biên phòng tuyến biển từ Quảng Bình đến Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức thông báo và kiểm đếm tàu thuyền hoạt động trên biển;
- Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã có công hàm đề nghị Cơ quan đại diện của các nước liên quan tại Việt Nam (Malaysia, Indonesia, Philippin, Thái Lan) phối hợp, trao đổi với các cơ quan chức năng sở tại tạo điều kiện cho tàu thuyền được trú, tránh và hỗ trợ cứu nạn khi có yêu cầu;
- Các Bộ: Công An, Giao thông Vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công điện chỉ đạo ứng phó với ATNĐ và Bão;
- Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thường xuyên cập nhật, cung cấp bản tin dự báo, cảnh báo ATNĐ/Bão, thông tin kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó;
- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương thông tin, truyền thông về diễn biến ATNĐ, bão;
- Văn phòng thường trực tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến và đôn đốc các địa phương triển khai ứng phó với Bão.
2. Địa phương:
- Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố triển khai chỉ đạo của Ban chỉ đạo TW PCTT tổ chức trực ban, theo dõi diễn biến bão và mưa lớn diện rộng.
- 12 tỉnh/thành phố (Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) ban hành công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó.
- 04 tỉnh (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận) tổ chức họp triển khai ứng phó với bão và mưa lũ.
- Bình Định đã cấm biển từ 15h00 ngày 29/10; các tỉnh khác dự kiến cấm biển trong ngày 30/10.
- Khánh Hòa đã di dời 80% số lượng lồng bè và 830 hộ dân/ 3.200 người một số khu vực nguy hiểm (tại khu vực sạt lở xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang); các tỉnh khác sẵn sàng phương án di dời dân khi có nguy cơ ảnh hưởng.
IV. CÁC CÔNG VIỆC CẦN QUAN TÂM, CHỈ ĐẠO
1. Trên biển:
- Tiếp tục rà soát, kiểm đếm các phương tiện, tàu thuyền, thông tin kịp thời và hướng dẫn các phương tiện còn hoạt động trên biển di chuyển, tránh trú an toàn (kể cả đối với các tàu vận tải và du lịch). Hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú.
- Tổ chức thực hiện việc cấm biển theo quy định (đối với các tàu vận tải lớn thực hiện theo quy định của ngành giao thông vận tải) và thông báo cho phép hoạt động trở lại đối với tàu thuyền và phương tiện hoạt động trên biển.
- Tổ chức, hướng dẫn di chuyển, gia cố lồng, bè, bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản.
2. Đối với khu vực ven biển, đồng bằng, đô thị:
- Sẵn sàng sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu, nhất là tại khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở, trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản.
- Triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản đối với các hoạt động kinh tế, du lịch trên các đảo và ven biển; kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là trên các tuyến đường ven biển, các cầu vượt biển để bảo đảm an toàn trong thời gian bão đổ bộ vào.
- Thực hiện tiêu nước đề phòng mưa lớn gây ngập úng; bảo vệ công trình kết cấu hạ tầng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao; bảo vệ đê điều, nhất là các đoạn đê biển bị sự cố, công trình đang thi công; đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện, bảo đảm thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố.
3. Đối với khu vực miền núi, trung du:
- Khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn để chủ động sơ tán, di dời dân.
- Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, đang thi công và các hồ nhỏ.
- Triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi mưa lũ lớn.
- Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
- Văn phòng TT Ban chỉ đạo, Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Thủy sản và Tập Đoàn điện lực Việt Nam tổ chức các Đoàn công tác đến các địa phương khu vực chịu ảnh hưởng để kiểm tra công tác ứng phó với mưa, bão.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!