Có lẽ rất nhiều người dân ở TP.HCM vẫn còn nhớ hình ảnh hàng xà cừ cổ thụ hàng trăm năm tuổi rợp bóng mát trên đường Tôn Đức Thắng. Với người dân TP.HCM, những hàng cây cổ thụ như thế có giá trị không thua gì một di sản bởi chúng gắn liền với một phần hồn cốt của thành phối này. Tuy nhiên, con đường từng một thời được mệnh danh đẹp nhất TP.HCM nay đã mất đi vẻ đẹp cổ kính khi hàng cây đã bị chặt hạ để phục vụ công trình xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn.
Trước đó còn rất nhiều câu chuyện khác như: công viên Chi Lăng, thương xá Tax, hay di tích lịch sử Ba Son... đều lần lượt bị phá bỏ. Tất cả cho thấy, việc bảo tồn và phát triển quá khó để song hành. Mới đây nhất, thông tin có thể tòa nhà Dinh Thượng Thơ ở ngay phía sau Dinh Xã Tây (tức UBND TP.HCM) cũng sẽ bị đập bỏ để xây một công trình hiện đại chức năng như trung tâm hành chính của thành phố lại khiến dư luận dậy sóng.
Trong vài năm gần đây, người dân TP.HCM đã nhiều phải đứng trước "sự đã rồi". Điển hình là sự biến mất nhanh chóng của hàng loạt công trình kiến trúc xưa, đặc biệt là những biệt thự cổ ở trung tâm thành phố. TP.HCM từng thống kê có đến 1.300 căn biệt thự cổ (xây trước năm 1975), tập trung nhiều nhất ở quận 1 và 3, trên các đường Nguyễn Đình Chiểu, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai...
Tuy nhiên, qua khảo sát trong thời gian gần đây, Trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thuộc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM xác định, có đến một nửa biệt thự cổ đã biến mất. Nguyên nhân được xác định là do chưa có tiêu chí phân loại và quản lý các biệt thự cổ.
Ngay cả những công trình mang tính tiêu biểu, bộ mặt của Sài Gòn 300 năm như: Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, chợ Bến Thành hiện cũng chưa được công nhận là di tích. Việc này cho thấy, công tác quản lý di sản văn hóa của TP.HCM có vấn đề.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!