Lao động tại Angola cần sự bảo hộ của luật pháp

Thái Thanh-Thứ bảy, ngày 17/08/2013 07:00 GMT+7

 Hàng chục ngàn người Việt Nam đang làm việc ở Angola đang mong muốn nhận được sự công nhận và bảo hộ chính thức từ phía hai Chính phủ.

Angola một đất nước ở Tây Nam châu Phi, có diện tích gấp 3 lần Việt Nam và dân số khoảng 15 triệu người. Đất nước này đang được nhiều người Việt Nam xem là nơi có cơ hội để có thể thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, hàng chục ngàn người Việt Nam đang làm việc ở đất nước cách quê hương mình nửa vòng trái đất đang mong muốn nhận được sự công nhận và bảo hộ chính thức từ hai Chính phủ.

Hiện tại, tòa nhà Trung tâm báo chí thuộc Bộ Ngoại giao Angola ở thủ đô Luanda đang được những người thợ đến từ Việt Nam nâng cấp. Nói một cách gián tiếp, các cơ quan nhà nước Angola đã thừa nhận sự hiện diện của lao động Việt Nam tại nước này.

Theo ước tính của cơ quan xuất nhập cảnh Angola, hiện Việt Nam đang có từ 30.000 đến 40.000 người Việt Nam đang kinh doanh trong các lĩnh vực từ buôn bán nhỏ tại chợ, mở hiệu ảnh, photo và thợ xây. Tuy nhiên, mới có một số ít người Việt đã được chính quyền Angola cho phép thành lập doanh nghiệp và chỉ những doanh nghiệp như vậy mới được phép tuyển dụng lao động nước ngoài có giấy phép lao động tại Angola.

‘ Có từ 30.000 đến 40.000 người Việt Nam đang kinh doanh ở nhiều lĩnh vực tại Angola

Ông Châu Phụng, Giám đốc công ty Xây dựng Avima, Luanda, Angola, cho biết: “Chúng tôi rất mong muốn Chính phủ Việt Nam có hỗ trợ nào đó chính thức cho người lao động Việt Nam sang bên này, được làm việc với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động Việt Nam. Hiện tại số công nhân Việt Nam bên này làm việc vẫn đi theo các công ty xây dựng của Trung Quốc, cho nên giấy tờ về mặt nào đó vẫn không hợp pháp. Mong muốn của chúng tôi bên này là tuyển được nhiều lao động Việt Nam sang làm việc”.

Theo ông Châu Phụng, nếu thuê một lao động từ Việt Nam sang sẽ phải trả khoảng 200 triệu đồng cho công ty xuất khẩu lao động Việt Nam, cảnh sát Angola và phải chịu rủi ro là công nhân có thể bỏ việc bất cứ lúc nào. Thành ra các doanh nghiệp nếu cần, có thể tuyển ngay những người Việt Nam đã có mặt tại Angola nhưng thiếu việc làm, kể cả những người vừa mới sang đang bơ vơ ở sân bay. Còn người lao động, đã phải bỏ một khoản tiền lớn để được sang đây, đành chấp nhận rủi ro miễn sao kiếm được tiền.

Tuầntrước tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với Bộ Ngoại giao và các cơ cơ quan nhà nước của Angola, hai bên đều nhất trí cần đẩy nhanh việc hợp thức hóa những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Angola.

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ Lao động thương binh và Xã hội cho biết: “Việt Nam và Angola sẽ sớm đàm phán trao đổi để đi đến ký kết một bản thỏa thuận về hợp tác giữa hai bộ trong các lĩnh vực về dạy nghề, an sinh xã hội và lao động. Hai bên cũng thống nhất rằng cần thúc đẩy sớm để ký kết được bản thỏa thuận này trong năm 2013”.

“Với thiện chí của cả hai bên, tôi nghĩ rằng vấn đề này sẽ nhanh chóng được giải quyết, nhằm tạo thuận lợi cho những người còn cư trú bất hợp pháp tại Angola có thể tránh được các điều không mong muốn có thể xảy ra với họ”, ông João Mamel Bernardo, Đại sứ Angola tại Việt Nam cũng cho hay.

Hàng ngày, vẫn có nhiều người Việt Nam đến Angola. Họ đang tự tìm kiếm cơ hội để thoát khỏi nghèo đói ở quê nhà dù phải đối mặt với mọi rủi ro. Tuy nhiên, họ đang cần nhận được sự công nhận và bảo hộ chính thức từ cả hai nước.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước