Sáng nay (11/8), tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, liên ngành tư pháp Trung ương đã tổ chức công bố quyết định đình chỉ điều tra và công khai xin lỗi ông Trần Văn Thêm trong vụ án xảy ra cách đây 46 năm. Khi ấy, ông Thêm bị kết án tử hình về tội giết người, cướp của, ông bị giam 5 năm 6 tháng 7 ngày.
Đây là một sự việc hy hữu trong lịch sử tố tụng của Việt Nam, thậm chí là cả thế giới. Năm 1976, sau gần 6 năm ngồi tù, ông Thêm được thả tự do khi một đối tượng bị bắt đã khai là thủ phạm của vụ án. Tuy nhiên, việc thả tự do cho ông Thêm lại không dựa trên một kết luận minh oan mà ông chỉ được tạm tha, với lý do có vết thương nặng ở đầu nên được cho về.
Ông Thêm và người nhà đã nhiều lần mang đơn kêu oan gõ cửa các cơ quan chức năng, tuy nhiên chỉ cho đến cách đây hai ngày, ngày 9/8/2016, tức là sau hơn 40 năm, những nỗ lực của ông mới được đền đáp.
Được biết, ở mọi quốc gia, bao giờ cũng có tỷ lệ sai sót về nghiệp vụ trong tố tụng, trong điều tra và trong khởi tố. Tuy nhiên, để tỷ lệ oan sai giảm tới một mức độ chấp nhận được, để không còn những vụ việc đau lòng như của người tử tù mang án oan tới hơn 40 năm mới được minh oan, một yếu tố cần đặt lên hàng đầu là làm sao để đảm bảo quyền con người, làm sao để những giá trị của người dân được tôn trọng, nhìn nhận một cách đúng đắn, đặc biệt làm sao nó phải được lan tỏa tới ở mọi cấp ngành, mọi thành phần thực thi và bảo vệ công lý.
Trong câu chuyện của ông Trần Văn Thêm, có thể thấy hành trình hơn 40 năm đi đòi lại công lý của ông, ở một khía cạnh, cũng là hành trình của những bước đi lên trong nhận thức xã hội và hệ thống pháp lý về quyền con người, quyền công dân.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!