Sau khi Bộ Giao thông Vận tải có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đánh giá thực trạng triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng được thí điểm từ 1/2016 đến nay (Đề án 24), Hiệp hội taxi Hà Nội đã có đơn kiến nghị gửi lên cơ quan chức năng cho dừng việc thí điểm xe hợp đồng điện tử như như Garb và Uber. Lý do là bởi số lượng phương tiện tham gia không kiểm soát được và gây thất thu thuế cho nhà nước.
Theo đơn kiến nghị, Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, số lượng xe hoạt động như taxi theo Đề án 24 hầu hết đều là xe dưới 9 chỗ, hiện số xe đang hoạt động kinh doanh theo đề án tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã lên đến hàng vạn, riêng tại Hà Nội là 44.000 xe. Trong khi đó, theo quy hoạch của thành phố Hà Nội, đến năm 2020 sẽ chỉ có 25.000 xe kinh doanh dưới 9 chỗ. Số lượng xe hoạt động như taxi tại Hà Nội hiện đã vượt xa so với quy hoạch ban đầu.
Từ lý luận trên, văn bản Hiệp hội kiến nghị cần dừng ngay việc gia tăng số lượng xe tham gia thí điểm, đồng thời Bộ Giao thông Vận tải phải ban hành văn bản để các địa phương dừng cấp phù hiệu cho số xe hợp đồng điện tử chứ không phải dừng mở rộng các doanh nghiệp tham gia thí điểm.
Ngoài ra, Hiệp hội này cũng dẫn theo số liệu thu thập được trong việc đóng thuế của hai hãng Uber và Grab. Hiệp hội ước tính mỗi năm hai hãng này chuyển khoảng 3.600 tỷ đồng ra nước ngoài trong khi tiền thuế đóng cho nhà nước rất ít.
Cụ thể, với tổng số 50.000 xe, doanh thu 30 triệu đồng/xe/tháng sẽ có tổng doanh thu là 1.500 tỷ đồng/tháng. Với mức thuế phải đóng 4,5% thì tổng số thuế phải nộp hàng tháng là 67,5 tỷ đồng. tuy nhiên, các doanh nghiệp này không nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ thuế, hãng Uber mới chỉ nộp 10 tỷ đồng vào ngân sách từ khi hoạt động đến nay.
Đơn kiến nghị của Hiệp hội taxi Hà Nội nêu nguyên nhân của việc doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc việc đóng thuế là bởi các hãng Grab và Uber không cung cấp dữ liệu chính xác về số lượng xe, số cuốc, danh thu thật của hãng cũng như doanh thu của chủ xe có phương tiện hoạt động.
Hiệp hội cũng yêu cầu các công ty có hoạt động tương tự Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, không trái với thông lệ quốc tế, đặt máy chủ tại Việt Nam, sử dụng tên miền Internet của Việt Nam, dữ liệu phải được kết nối với hệ thống giám sát của Bộ Giao thông Vận tải, các Công ty công nghệ phải truyền thông tin tự động định kỳ theo chuẩn về Tổng cục Đường bộ và Sở Giao thông Vận tải để phân tích và quản lý.
Cho rằng loại hình kinh doanh vận tải như Uber, Grab là kinh doanh có điều kiện, Hiệp hội này cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền phải quy định bắt buộc Uber, Grab thành lập công ty tại Việt Nam, có giấy phép cung cấp dịch vụ hoạt động vận tải và tuân thủ các điều kiện kinh doanh vận tải tại Việt Nam.
Hiệp hội cũng kiến nghị, trước khi có quy định quản lý chính thức để quản loại hình kinh doanh này, cơ quan quản lý cần ban hành quy định cụ thể về kích thước, màu sắc, vị trí dán logo... của các xe thí điểm đảm bảo rõ ràng, dễ nhận biết thay vì để cho các công ty sở hữu phần mềm như Grab, Uber tự in ấn và cấp logo cho xe. Hiện đang có tình trạng một số công ty cố tình không đưa ra quy chuẩn nhận diện đối với các xe tham gia thí điểm, do không dán logo nhận diện nên lực lượng thanh tra giao thông không thể nhận biết phương tiện và người lái khi hoạt động trên đường.
Ngoài ra, Hiệp hội taxi Hà Nội cũng "tố" những sai phạm của Uber, Grab khi hoạt động trong thời gian qua. Cụ thể, hãng Grab vẫn duy trì dịch vụ đi chung xe (Grabshare) dù đã có chỉ đạo dừng triển khai từ phía Bộ Giao thông Vận tải.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!