Hơn 10 năm trước, gia đình ông Mười đã nhận đền bù và giao hết đất nông nghiệp của mình cho Dự án khu công nghiệp và cầu cảng Phước Đông. Ông hi vọng khi khu công nghiệp hoạt động, con ông sẽ có việc làm. Thế nhưng đến nay, dự án vẫn chưa đi vào hoạt động. Tiền đền bù đã tiêu hết, các con bỏ quê lên phố kiếm việc, 2 vợ chồng ông lại quay về mảnh đất cũ tái lấn chiếm một chỗ ở.
Nguyên nhân là 12 năm nay, tỉnh Long An không thể giải phóng mặt bằng bến bãi tập kết của doanh nghiệp xây dựng thương mại Thăng Long để bàn giao cho dự án. Oái ăm ở chỗ, bãi tập kết này nằm giữa, chia đôi khu công nghiệp thành 2 phần riêng lẻ. Toàn bộ hạ tầng của khu công nghiệp do vậy không thể kết nối, nghiã là khu công nghiệp không thể đi vào vận hành. Đơn kêu cứu đã gửi đi các cấp chính quyền nhưng suốt thời gian qua không được giải quyết.
Đại diện UBND Huyện Cần Đước thừa nhận mặc dù trách nhiệm giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch cho doanh nghiệp thuộc về cơ quan chức năng Tỉnh Long An nhưng trong trường hợp này, tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Chủ đầu tư Dự án Phước Đông phải tự thỏa thuận đền bù cho chủ bãi vật liệu là doanh nghiệp tư nhân Thăng Long.
Theo tìm hiểu của phóng viên VTV, mặt bằng này đang được DN tư nhân Thăng Long thế chấp tại ngân hàng và đang nợ số tiền trên 43,6 tỷ đồng, DN hiện không có khả năng chi trả. Việc thế chấp khu đất nằm trong diện giải tỏa này cũng đã được cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM xác định có dấu hiệu bất thường. Theo phương án đền bù do huyện Cần Đước lập, giá trị đất và tài sản trên đất của bãi này chỉ trên 1 tỷ đồng nhưng khi đưa vào thế chấp, nó được ngân hàng cho vay định giá lên tới 52 tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!