Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đồng chí Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội đã tới dự khánh thành cầu Vĩnh Thịnh.
‘ Cầu Vĩnh Thịnh đảm bảo lưu thông 4 làn xe. (Ảnh: VnE)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức phát lệnh thông xe cầu Vĩnh Thịnh - cây cầu có chiều dài gần 5.500m, rộng 16,5m được thiết kế cho 4 làn xe. Đây là cầu bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực vượt sông Hồng dài nhất Việt Nam tính đến thời điểm này.
Với tổng mức đầu tư 137 triệu USD, cầu Vĩnh Thịnh được đầu tư từ nguồn vốn vay
ODA của Hàn Quốc. Việc hoàn thành, đưa vào khai thác sớm cầu Vĩnh Thịnh trước bảy tháng để thay thế phà Vĩnh Thịnh sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế toàn diện cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Theo đó, cây cầu kết nối hai trục hướng tâm là Quốc lộ 32 và Quốc lộ 2, kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và đường Hồ Chí Minh để tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh; kết nối trung tâm Thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Tây Bắc như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, đồng thời giảm áp lực giao thông cho các trục đường hướng tâm như Quốc lộ 2, Quốc lộ 3, Quốc lộ 6, Quốc lộ 32 khi lưu thông qua trung tâm Hà Nội đi các tỉnh phía Nam và ngược lại.
Phát biểu tại lễ thông xe, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, việc hoàn thành cầu Vĩnh Thịnh có ý nghĩa rất quan trọng bởi đây sẽ là cầu chính trên tuyến vành đai 5 - tuyến đường sẽ kết nối các đô thị vệ tinh, các khu công nghệ cao, các điểm du lịch, góp phần thúc đẩy giao thương hàng hoá giữa các tỉnh Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và cả nước; qua đó tạo động lực phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và thu hẹp khoảng cách phát triển của khu vực Tây Bắc so với mặt bằng chung của cả nước.
Thủ tướng cũng biểu dương Bộ Giao thông Vận tải, TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc, cùng tập thể cán bộ, công nhân lao động trên công trường đã đưa cây cầu hoàn thành vượt tiến độ, đáp ứng mong mỏi bấy lâu của người dân đôi bờ sông Hồng và mong các đơn vị nỗ lực phấn đấu để đưa vào sử dụng nhanh, đảm bảo chất lượng, hiệu quả hơn nữa nhiều công trình hạ tầng, bởi đây là khâu đột phá trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cám ơn Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc đã tạo điều kiện cho Việt Nam vay ưu đãi. Cùng với cầu Vĩnh Thịnh, 12 dự án khác nữa trong lĩnh vực ngành giao thông vận tải cũng đang sử dụng nguồn vốn đầu tư của Hàn Quốc. Thủ tướng mong rằng quá trình hợp tác giữa hai bên ngày càng đi vào chiều sâu nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ và sâu sắc hơn nữa.