I. TIN BÃO KHẤN CẤP (Theo bản tin của TT DBKTTV QG)
Hồi 16h ngày 01/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 330km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 170km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và đi vào khu vực phía Bắc của Vịnh Bắc Bộ.
Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão số 3 đổi hướng di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5-10km. Đến 16 giờ ngày 02/8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, ngay bờ biển Quảng Ninh-Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8): Phía Bắc vĩ tuyến 19,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,5 độ Kinh Đông.
Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng từ sáng mai có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10-11. Các tỉnh ven biển từ Thái Bình đến Thanh Hóa từ trưa mai (02/8) có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9-10.
Từ đêm nay đến ngày 04/8, ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, riêng khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa 200-400mm/đợt).
II. TÌNH HÌNH MƯA, GIÓ
1. Tình hình mưa: Mưa ngày (19h/31/7-13h/01/8): Các tỉnh Bắc Bộ có mưa đến mưa vừa, lượng mưa phổ biến dưới 30mm, một số trạm có lượng mưa lớn hơn: Kim Bôi (Hòa Bình): 43 mm; Mẫu Sơn (Lạng Sơn): 44mm; Nam Định (Nam Định): 41mm; Hà Nam (Hà Nam): 52 mm.
2. Tình hình gió: các khu vực Hải Phòng có gió dưới cấp 3.
III. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO ỨNG PHÓ THIÊN TAI
1. Trung ương
- Sáng 01/8 Ban Chỉ đạo TW về PCTT đã tổ chức họp với các thành viên Ban Chỉ đạo để chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3.
- Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT có Công điện số 09/CĐ-TW ngày 1/8/2019 chỉ đạo công tác ứng phó với bão;
- Ban Chỉ đạo đã tổ chức Đoàn công tác đi Quảng Ninh, Hải Phòng để chỉ đạo công tác ứng phó với Bão.
- Bộ Tổng tham mưu đã có Điện gửi các Tổng cục và các đơn vị trực thuộc chỉ đạo công tác ứng phó bão.
- Bộ Giao thông vận tải có Công điện gửi các đơn vị trực thuộc chỉ đạo công tác ứng phó bão.
- Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có công văn chỉ đạo các cấp Hội ứng phó bão.
- Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin về bão số 03, diễn biến thiên tai trên các chương trình thời sự, bản tin thời tiết trên kênh thời sự tổng hợp.
2. Địa phương
- Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban, theo dõi các bản tin bão số 03 và diễn biến thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó;
- Bộ đội biên phòng các tỉnh Quảng Ninh đến Khánh Hòa duy trì thường trực 6.884 CBCS/300 phương tiện (34 tàu, 98 ca nô, xuồng, 168 ô tô) tham gia kêu gọi, sắp xếp neo đậu tàu thuyền và sẵn sàng xử lý tình huống khi có yêu cầu.
- Quảng Ninh:
+ Cấm biển từ 10h ngày 1/8/2019
- Hải Phòng:
+ Cấm biển từ 17h ngày 1/8/2019
- Thái Bình
+ Cấm biển từ 10h ngày 1/8/2019
- Nam Định:
+ Cấm biển từ 19h ngày 1/8/2019
IV. TÌNH HÌNH TÀU THUYỀN
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 71.635 tàu/284.989 người (tính đến 16h ngày 01/8/2019), trong đó:
- Hoạt động trên biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa (đang hoạt động ven bờ, đang di chuyển tránh bão): 693 tàu/3.013 người;
- Hoạt động ở các khu vực khác và neo đậu tại các bến: 70.942 tàu/281.976 người (có 20 tàu Quảng Bình/120 lao động trú tránh tại đảo Hải Nam, Trung Quốc).
- 7.907 lồng bè, lều, chòi canh/11.193 người.
V. CÁC CÔNG VIỆC CẦN TRIỂN KHAI TIẾP THEO
1. Tập trung thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tại Công điện số 09/CĐ-TWPCTT ngày 01/8/2019.
1. Tăng cường lực lượng trực ban phòng chống bão, lũ; chủ động, sẵn sàng tổ chức các đoàn công tác xuống địa bàn để chỉ đạo ứng phó với bão, lũ.
2. Đối với tuyến biển
- Sơ tán người khu vực nguy hiểm, nhất là khách du lịch trên các đảo;
- Hướng dẫn tàu thuyền di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm, đặc biệt lưu ý tàu vận tải, tàu vãng lai, tàu khách. Duy trì liên lạc sẵn sàng xử lý sự cố;
- Kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu đảm bảo an toàn tàu, thuyền tại bến;
- Chằng chống, di chuyển tránh trú lồng bè, chòi canh ven biển; chủ động thu hoạch sớm, giảm thiểu thiệt hại;
- Kiên quyết không để người ở lại các chòi canh, lều canh, lồng bè nuôi trồng hải sản;
- Các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để cấm biển.
3. Đối với tuyến bờ
- Rà soát phương án ứng phó thiên tai, lưu ý kiểm soát việc triển khai phương án đảm bảo an toàn cho kho, bãi; các hoạt động kinh tế tại các địa phương có nguy cơ ảnh hưởng; công trình xây dựng đang thi công, khu du lịch ven biển.
- Chủ động vận hành hồ chứa tích nước, đồng thời chủ động các phương án điều tiết đảm bảo an toàn công trình.
- Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập; phương án bảo vệ công trình đê điều, hồ đập đang thi công; chống ngập úng tại đô thị.
- Tiến hành tiêu nước đệm tại những khu vực có nguy cơ ngập úng.
4. Đối với khu vực miền núi:
- Rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Sẵn sàng phương án ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất.
- Tổ chức cắm biển cảnh báo; tuần tra, canh gác tại các ngầm tràn, các tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!