Các nhà khoa học lịch sử, khảo cổ, địa chất đầu ngành đã khảo sát thực địa và công bố những thông tin ban đầu, giải đáp nhiều khúc mắc của giới nghiên cứu nước nhà với những tư liệu mới và quý mang tầm thế giới.
Các nhà khảo cổ đã khai quật 3 hố tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, phát hiện 24 hố chôn cọc và 27 cọc gỗ với đường kính rộng nhất tầm 50cm, dài nhất là 2 mét 7, với niên đại được xác định vào khoảng cuối thế kỷ thứ XIII.
Viện Khảo cổ và các nhà khoa học nhận định, bãi cọc này là một phần trận địa Bạch Đằng năm 1288. Cọc được cắm làm hẹp dòng chảy, dồn địch co cụm, khéo léo kết hợp các chiến thuật, quân dân ta tập kích, tấn công và chiến thắng. Liên kết bãi cọc Cao Quỳ, Hải Phòng với bãi cọc Yên Giang, Quảng Ninh là thế trận toàn dân được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn sử dụng đánh tan quân Nguyên Mông.
Phát hiện bãi cọc Cao Quỳ đã phục dựng diện mạo chiến trường Bạch Đằng 1288, bổ sung nhiều giá trị khoa học, lịch sử, quân sự... Trận chiến Bạch Đằng không chỉ là tự hào của Việt Nam mà cả lịch sử nhân loại, bởi việc Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn đánh tan quân Nguyên Mông, cũng đã chấm dứt những âm mưu xâm chiếm tiếp theo của đế chế này ra thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!