Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam bao gồm 13 tỉnh, trong đó có 4 tỉnh ở miền Đông Campuchia, 4 tỉnh là miền Nam Lào và 5 tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên của Việt Nam.
Kể từ khi được hình thành đến nay, nhiều trục giao thông quan trọng trong vùng đã được nâng cấp. Trao đổi thương mại và đầu tư ở khu vực biên giới 3 nước được đẩy mạnh. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam là các nhà đầu tư chính. Tính đến cuối năm ngoái, Việt Nam có 37 dự án đầu tư vào Campuchia với tổng vốn hơn 2 tỷ USD, 60 dự án đầu tư vào Lào với tổng vốn gần 3 tỷ USD, chủ yếu là các dự án trồng cao su, chế biến gỗ, khai khoáng và thủy điện.
Cách đây 10 năm, ba Thủ tướng đã thông qua Quy hoạch tổng thể xây dựng Tam giác phát triển, trong đó khẳng định ba nước sẽ thành lập ủy ban Điều phối chung để điều phối việc thực hiện Quy hoạch tổng thể, xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt trong Khu vực Tam giác phát triển. Đồng thời đưa ra 12 dự án ưu tiên thuộc lĩnh vực giao thông, giáo dục, y tế với tổng vốn đầu tư gần 300 triệu USD đề để nghị Nhật Bản hỗ trợ. Trong Hội nghị lần thứ 8 này, lãnh đạo ba nước sẽ rà soát lại việc thực hiện quy hoạch cũng như quyết định các biện pháp để khai thác tốt hơn thế mạnh của mỗi nước.
Ông Khonepheng Thamma Vong, Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Ngoại giao Lào cho rằng: “Mục tiêu của Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội khu vực tam giác phát triển đến năm 2020 là nhằm xóa đói giảm nghèo và kết nối cơ sở hạ tầng giao thông, kinh tế - xã hội trong khu vực Tam giác phát triển để cho đời sống của nhân dân ở khu vực này ngày càng tốt hơn và ổn định về an ninh. Do đó, kế hoạch phát triển mỗi nước cũng như phát triển khu vực Tam giác phát triển của Campuchia – Lào – Việt Nam phải phù hợp với việc chuẩn bị hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN và cộng đồng chính trị - an ninh và văn hóa – xã hội sau năm 2015. Vì vậy, việc phát triển khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam sau năm 2015 có ý nghĩa hết sức quan trọng”.
Cũng tại hội nghị này, dự kiến, các nhà lãnh đạo của Campuchia – Lào và Việt Nam sẽ đánh giá những khó khăn và tồn tại trong việc triển khai các chương trình phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn này để quyết định những phương hướng hợp tác trong giai đoạn tới, nhất là trong bối cảnh chỉ còn 1 năm tiểu khu vực này sẽ cùng với ASEAN trở thành một cộng đồng chung.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trênTV Online.