Lãnh đạo các nước thành viên ACMECS (Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar) và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh tại phiên khai mạc Hội nghị ACMECS 5. Ảnh: Cổng ĐT chính phủ
Trong những năm qua, hợp tác ACMECS đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, quan hệ kinh tế thương mại giữa các nước thành viên không ngừng phát triển ngay cả trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, thách thức. Tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan tăng liên tục trong những năm qua, từ khoảng 7,1 tỷ USD năm 2009 lên gần 13 tỷ USD vào năm 2012. Liên kết giao thông giữa 5 nước ACMECS cũng được cải thiện rõ rệt thông qua việc thực hiện các tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, hành lang phía Nam cũng như việc ký kết và triển khai các thỏa thuận song phương và đa phương về tạo thuận lợi giao thông.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thực tế thì nhiều chương trình hợp tác ACMECS đã không thực hiện được hoặc triển khai chậm với hiệu quả chưa cao. Các dự án hợp tác chung của ACMECS chưa thu hút được sự tham gia của các đối tác phát triển mặc dù chúng ta đã có chủ trương khuyến khích và xây dựng Tài liệu hướng dẫn về việc này.
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã cùng đánh giá chặng đường 10 năm của hợp tác ACMECS và rà soát tình hình triển khai việc thực hiện Tuyên bố Phnom Penh và Chương trình hành động 2010-2012 trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên như tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng, giao thông, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, y tế, an sinh xã hội và môi trường.
Định hướng cho các hoạt động hợp tác tương lai, các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra tại Tuyên bố Bagan vì mối quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa các nước thành viên, vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của khu vực. Các nhà Lãnh đạo cũng đã thông qua Tuyên bố Vientiane và Chương trình hành động ACMECS giai đoạn 2013-2015, theo đó gắn kết hơn nữa hợp tác ACMECS với quá trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015 và thực hiện Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN, nâng cao tính cạnh tranh, vai trò và vị trí của các nước ACMECS trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, hợp tác ACMECS trong giai đoạn tới cần hướng đến ba mục tiêu chính và 6 nội dung hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực, bao gồm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và du lịch thông qua các nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh; đẩy mạnh hơn nữa kết nối khu vực với trọng tâm là phát triển các tuyến hành lang kinh tế như Hành lang kinh tế Đông - Tây, Hành lang kinh tế Bắc - Nam và Hành lang kinh tế phía Nam và các tuyến giao thông xuyên quốc gia khác; đẩy mạnh hợp tác trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên trong đó có ba dòng sông Ayeyawadi-Chao Phraya-Mekong; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia; khuyến khích tham gia của khu vực doanh nghiệp vào các dự án hợp tác ACMECS; cuối cùng là tranh thủ nguồn lực bên ngoài và hạn chế chồng chéo trên cơ sở gắn kết các hoạt động ACMECS với các chương trình hành động ASEAN và các khuôn khổ hợp tác giữa các nước Mekong và đối tác.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Để ACMECS thực sự phát huy tiềm năng của mình và đóng vai trò quan trọng trong tiến trình hội nhập khu vực cũng như sự phát triển của mỗi quốc gia, tôi cho rằng hợp tác ACMECS trong giai đoạn tới cần hướng đến ba mục tiêu chính gồm: Tăng tính cạnh tranh của các quốc gia thành viên trên cơ sở gắn kết thị trường, hình thành chuỗi cung ứng và sản xuất khu vực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hỗ trợ tiến trình hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 và Bảo đảm phát triển bền vững của khu vực… Tôi tin tưởng rằng, với một kế hoạch hoạt động có trọng tâm, bám sát lợi thế so sánh của khu vực và tiềm năng của các thành viên, cơ chế hợp tác ACMECS sẽ ngày càng được củng cố và đóng góp tích cực vào tiến trình hội nhập ASEAN, vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung của khu vực”.
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng nhất trí cho rằng, các chương trình hợp tác không nên quá dàn trải, mà cần tập trung vào một số nội dung chính mà các ACMECS có lợi thế, như thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và du lịch thông qua các nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh hơn nữa kết nối khu vực với trọng tâm là phát triển các tuyến hành lang kinh tế. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia thông qua các chương trình học bổng, trao đổi kinh nghiệm, liên kết giữa các trung tâm đào tạo nghề trong nước với quốc tế, gắn kết chương trình giảng dạy của các cơ sở đào tạo nghề với nhu cầu của doanh nghiệp hoạt động tại địa phương. Khuyến khích tham gia của khu vực doanh nghiệp vào các dự án hợp tác ACMECS và tranh thủ nguồn lực bên ngoài.
Cũng trong ngày hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo đã có buổi đối thoại với khu vực doanh nghiệp ACMECS nhằm chia sẻ thông tin về những quan tâm chung và thảo luận hướng tăng cường hợp tác giữa khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp. Trao đổi tại đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao vai trò của khu vực doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia cũng như tiến trình hợp tác và hội nhập khu vực. Thủ tướng đề nghị Hội đồng kinh doanh ACMECS cùng tham gia thực hiện Chương trình hành động ACMECS giai đoạn 2013-2015 và bày tỏ mong muốn nhận được phản hồi của các doanh nghiệp về tính thiết thực và tác động của các nội dung hoạt động để có sự điều chỉnh kịp thời.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho giao lưu thương mại và đầu tư, đưa ACMECS trở thành sự lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp khu vực và quốc tế.