Ba năm sau khi Luật Hợp tác xã có hiệu lực, thực tế cho thấy, một số địa phương còn lúng túng trong việc tổ chức hợp tác xã theo luật mới. Trong tổng số hơn 10.500 hợp tác xã nông nghiệp, chỉ có gần 10% hợp tác xã đang hoạt động hiệu quả. Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, đến nay, đa số các hợp tác xã nông nghiệp mới chỉ tập trung cung cấp các dịch vụ đầu vào như cung ứng giống, vật tư. Hơn 90% hợp tác xã không tham gia vào hoạt động liên kết tiêu thụ nông sản và kết nối nông dân với doanh nghiệp. Đây là nguyên nhân chính khiến nông dân chưa thực sự mặn mà với hợp tác xã.
Lý giải về hiện tượng này, chuyên gia về nông nghiệp, nông thôn - ông Hoàng Trọng Thủy cho biết: "Hiện tại, có ba khó khăn đang là rào cản lớn cho sự phát triển của mô hình hợp tác xã mới. Một là số lượng xã viên ít, thiếu niềm tin vào hợp tác xã. Hai là nguồn vốn của hợp tác xã đang khó khăn. Nguồn vốn hợp tác xã có hiện nay là phải đóng góp. Hợp tác xã lại không có tài sản thế chấp nên vốn vay ngân hàng rất khó. Thứ 3 là chỉ có 20% cán bộ quản lý hợp tác xã đã qua đào tạo. Những khó khăn này liên kết với nhau và buộc cơ quan quản lý sẽ phải giải quyết bằng cả phương pháp tổ chức, cơ chế và chính sách".
Từ thực tế này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị yêu cầu các ngành chức năng và địa phương phải đẩy mạnh triển khai Luật hợp tác xã, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả và tạo điều kiện cho hợp tác xã hưởng các chính sách hỗ trợ để phát triển.
Ở mô hình hợp tác xã kiểu mới khác, mỗi hộ nông dân sẽ cùng tham gia vào hợp tác xã. Những người sáng lập hợp tác xã sẽ xây dựng kế hoạch, quy hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường. Các hộ nông dân sẽ tiếp tục sản xuất trên ruộng của mình theo quy hoạch. Hợp tác xã sẽ chịu trách nhiệm về giống, phân bón, các dịch vụ nông nghiệp khác. Ngoài ra, các hợp tác xã cũng chịu trách nhiệm bao tiêu và tạo đầu ra cho sản phẩm.
Theo ông Lê Đức Trịnh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, Bộ NN&PTNT, hợp tác xã kiểu mới đang thực hiện tốt những việc mà hộ xã viên làm không hiệu quả. "Trong nông nghiệp, hợp tác xã cung cấp đầu vào, đầu ra, hỗ trợ nông dân tiếp cận vốn ngân hàng tốt hơn, giúp tiếng nói của nông dân đến với doanh nghiệp và các nhà quản lý, đàm phán với thị trường và chống ép giá”, ông Lê Đức Trịnh phân tích.
Để tìm hiểu kỹ hơn về hiện trạng phát triển của mô hình hợp tác xã kiểu mới tại Việt Nam hiện nay, mời quý vị và các bạn theo dõi video dưới đây:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!