Đến năm 2050, 1 triệu dân ở ĐBSCL bị ảnh hưởng trực tiếp do sạt lở.
Hai tỉnh sạt lở nghiêm trọng nhất hiện nay ở ĐBSCL là An Giang và Đồng Tháp, bởi theo các chuyên gia, 2 tỉnh này đều nằm ngay đầu nguồn hệ thống sông Cửu Long, đón dòng chảy thượng nguồn về mạnh, áp lực nước lớn. Bên cạnh đó cũng có tác động của con người, việc khai thác cát không đúng vị trí và không theo quy hoạch đã làm biến đổi dòng chảy; việc xây dựng nhà cửa quá gần bờ sông cũng làm tăng trọng tải lên bờ sông, gây mất cân bằng, càng dễ khiến bờ sông bị xói lở.
Các chuyên gia cảnh báo, tại An Giang và Đồng Tháp, tần suất sạt lở có thể không liên tục nhưng mức độ sẽ rất nghiêm trọng và gây thiệt hại lớn, nhất là trong mùa mưa sắp tới. Nguy hiểm nhất trên địa bàn tỉnh An Giang là đoạn sông Tiền thuộc xã Phú An (huyện Phú Tân), đoạn sông Hậu tại xã Châu Phong (thị xã Tân Châu), đoạn sông Hậu tại xã Bình Mỹ (từ kênh xáng Cây Dương đến phà Năng Gù, Châu Phú) và đoạn sông Hậu thuộc phường Bình Đức, Bình Khánh, Mỹ Bình (TP. Long Xuyên).
Dự báo, đến năm 2050, khu vực ĐBSCL có tới khoảng 1 triệu dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sạt lở.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!