Trong tuần qua, Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 là sự kiện thu hút nhiều chú ý của các báo. Đây không chỉ là một trong những hoạt động đối ngoại lớn nhất trong năm nay được Việt Nam đăng cai tổ chức, sự kiện còn mang ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam và các quốc gia trong khu vực Mekong.
Báo Lao động dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Các cơ chế hợp tác tại khu vực Mekong có ý nghĩa quan trọng và phù hợp với các ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Việc tham gia của Việt Nam vừa phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đóng góp cho hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực.
Trả lời Financial Times và Nikkei, Thủ tướng khẳng định hợp tác GMS sẽ kết nối hài hòa với các cơ chế hợp tác khu vực như ASEAN, hợp tác Mekong – Lan Thương, hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, ACMECS, CLMV.
Tiềm lực của từng nền kinh tế trong khu vực này có thể nhỏ, nhưng nếu liên kết và hợp tác chặt chẽ với nhau thì sẽ tạo ra được sức mạnh rất lớn, tờ Lao động bình luận: Trong khuôn khổ hội nghị, Diễn đàn thượng đỉnh Kinh doanh GMS lần đầu tiên được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam đã nhấn mạnh tới việc hợp tác giữa các doanh nghiệp trong khu vực GMS bao gồm 5 quốc gia gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây của Trung Quốc. Hợp tác sẽ mang lại sức mạnh cộng hưởng cho phát triển kinh tế, bởi đây là khu vực rộng lớn với 340 triệu người với quy GDP lên tới 1.300 tỉ USD.
Để biến đây trở thành một động lực tăng trưởng mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại diện các quốc gia trong khu vực đã đưa ra những phương hướng hợp tác cụ thể.
Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ sáu, và Hội nghị Cấp cao tam giác phát triển Campuchia – Lào - Việt Nam đã kết thúc ngày 31/3, tại Hà Nội đã thông qua Tuyên bố chung, Kế hoạch Hà Nội giai đoạn 2018-2022 và Khung Đầu tư khu vực tới năm 2022 với trên 200 dự án trị giá 66 tỷ USD. Cùng với đó là việc ký Tuyên bố chung và Kế hoạch hành động kết nối ba nền kinh tế Campuchia – Lào - Việt Nam.
Việc đạt được thỏa thuận và các văn kiện hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, giao thông môi trường, cùng nội dung Tuyên bố chung, đã thể hiện cam kết tăng cường hợp tác nhiều mặt để cùng xây dựng một tiểu vùng Mekong mở rộng hội nhập thịnh vượng và phát triển bền vững.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!