Phát biểu tại hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị, thay vì bàn quá nhiều giờ là thời điểm phải chuyển hoá khát vọng vươn lên và trí tuệ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng cả hệ thống chính trị thành hành động.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Cách mạng công nghiệp 4.0, mà bản chất là lao động được thay bằng tự động hóa; thay vốn bằng tri thức và dữ liệu đang khiến Việt Nam đứng trước một cơ hội rất lớn để thực hiện khát vọng xây dựng quốc gia thịnh vượng, hùng cường, nếu có thể ứng dụng hiệu quả các trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối, điện toán đám mây vào phát triển kinh tế - xã hội. Chính công nghệ tiên tiến cùng với chất lượng nguồn nhân lực và năng lực thể chế sẽ quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn, là chìa khóa để đất nước đột phá vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Thế nhưng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ, Việt Nam chưa tìm ra cách tiếp cận hiệu quả, chưa xây dựng được môi trường chính sách, pháp luật phù hợp để huy động nguồn lực tận dụng cơ hội đến từ Cách mạng công nghiệp 4.0. Sự chậm trễ này đôi khi còn là rào cản, làm nhụt nhuệ khí đổi mới, sáng tạo và làm nản tâm huyết cống hiến trí tuệ của lực lượng doanh nghiệp công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, khiến Việt Nam không thể đột phá mà còn tụt lại phía sau. Vì thế Thủ tướng đánh giá cao Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo quốc gia để cùng nhận diện rõ những vướng mắc về thể chế, pháp lý cần giải quyết, đồng thời đề xuất giải pháp và hiến kế với Chính phủ và Quốc hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết thời gian tới, Thủ tướng sẽ có những chỉ đạo ở tầm chiến lược về chuyển đổi số quốc gia. Vì thế, các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tốc độ thiết kế và thực thi hiệu quả các chính sách, quy định pháp luật có như thế mới phát huy được năng lực sáng tạo, chủ động của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể xã hội khác trong kinh tế số và xã hội số. Thủ tướng cho rằng, đây chính là cơ hội lịch sử những người làm công tác pháp luật cần tích cực dấn thân, đóng góp vào quá trình hình thành đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là Đại hội 13 của Đảng tới đây sẽ định ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam tới năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị các Bộ cần nhanh chóng xây dựng khung chính sách đối với các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao, mô hình kinh tế chia sẻ, giao dịch, quản lý các tài sản kỹ thuật số hay tài sản mã hóa, các hình thức đầu tư mạo hiểm, các phương thức thanh toán mới, trong đó, cần xử lý các vấn đề mới theo những giải pháp vượt ra ngoài tư duy truyền thống bởi muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bản thân chính sách, cơ chế cũng phải thoáng, mở và sáng tạo theo hướng ủng hộ về nguyên tắc việc triển khai các mô hình kinh doanh mới. Không vì lý do không quản lý được về công nghệ mà cản trở việc ứng dụng công nghệ mới.
Cùng với yêu cầu các Bộ, Ngành cần khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để đánh giá rõ hơn tính tương thích với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kịp thời có đề xuất hướng bổ sung, hoàn thiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Tư pháp sớm hình thành ý tưởng và kiến nghị về chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam. Đặc biệt, khi xây dựng Dự án Luật ban hành văn bản pháp luật sửa đổi cần bảo đảm yêu cầu ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tận dụng thời cơ Cách mạng công nghiệp 4.0.
Bộ Công an được Thủ tướng giao khẩn trương hoàn thiện xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu định danh quốc gia, làm nền tảng cho công tác xác thực định danh, chia sẻ thông tin, dữ liệu an toàn, hiệu quả. Còn Ngân hàng Nhà nước khẩn trương đánh giá tác động của việc xuất hiện và lưu hành ngày càng phổ biến một số đồng tiền kỹ thuật số hoặc ví điện tử để đề xuất chính sách phù hợp. Bộ Thông tin và Truyền thông cần sớm triển khai mạng 5G, đáp ứng yêu cầu Internet kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất; đồng thời phối hợp Ngân hàng Nhà nước trong việc thúc đẩy thanh toán điện tử, với các hình thức thanh toán mới qua di động hay ví điện tử. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tất cả những nhiệm vụ này cần phải được thực hiện sớm vì trong Cách mạng công nghiệp 4.0 để lâu sẽ mất hết ý nghĩa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!