Thực tế chung từ nhiều năm nay ở các vùng sản xuất muối là hiếm khi diêm dân sống được với nghề muối. Năm sản lượng nhiều thì muối rớt giá. Năm được giá thì lại chẳng có muối để bán. Tái cơ cấu, quy hoạch lại vùng sản xuất muối và thay đổi cách làm muối chính là cách để ổn định cuộc sống của diêm dân. Hiện tại, nhiều địa phương đưa ra chính sách hỗ trợ diêm dân sản xuất muối phủ bạt để nâng cả sản lượng và chất lượng muối. Thế nhưng, vẫn còn nhiều vướng mắc trong triển khai chính sách hỗ trợ diêm dân.
Năm ngoái, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành chính sách hỗ trợ diêm dân, HTX 100 % lãi suất vốn vay ngân hàng để đầu tư sản xuất muối kết tinh trên bạt. Thế nhưng, đến lúc này, vẫn chưa có nhiều diêm dân tiếp cận nguồn vốn này.
Đối với các HTX, hạn mức vay tối đa theo gói hỗ trợ không quá 500 triệu đồng. Điều này khiến các HTX sản xuất muối không mạnh dạn vay vốn để làm muối trải bạt bởi số tiền nửa tỷ đồng không giải quyết được gì trong việc thay đổi công nghệ sản xuất muối đối với diện tích ruộng muối quá lớn của các HTX.
Nhiều diêm dân tính toán, nếu vay vốn để làm muối phủ bạt mà chẳng may gặp rủi ro thời tiết hay thị trường thì nợ nần lại càng thêm chồng chất. Vậy là nhiều người vẫn giữ cách làm muối phơi trên nền đất, chấp nhận năng suất và chất lượng ở mức thấp, cũng đồng nghĩa thu nhập từ nghề muối chẳng nuôi sống được gia đình. Đây như là vòng luẩn quẩn khiến cho trong số 14.000 ha muối trên cả nước, vẫn còn đến 11.000 ha là ruộng muối thủ công trên nền đất.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!