Hồ Duy Hải thực sự có mặt tại hiện trường vụ án 12 năm trước?

H.T-Thứ bảy, ngày 09/05/2020 17:59 GMT+7

Phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải đã diễn ra trong 3 ngày từ 6-8/5

VTV.vn - Dù quá trình điều tra có một số thiếu sót trong nhưng Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để xác định Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường vụ án giết người năm 2008.

Hoàn toàn đủ cơ sở xác định Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường vụ án

Trong ngày làm việc thứ ba xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải vào hôm qua (8/5), Hội đồng xét xử đã tiếp tục thảo luận, đánh giá toàn diện vụ án và làm rõ các nội dung có kháng nghị.

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sau đó đã công bố Quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, trong đó quyết định không chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 15 ngày 22/11/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Giữ nguyên bản án tử hình tử tù Hồ Duy Hải Giữ nguyên bản án tử hình tử tù Hồ Duy Hải

VTV.vn - Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao kết luận, Quyết định Giám đốc thẩm kết luận Hồ Duy Hải bị kết án tử hình vì hai tội Giết người và Cướp tài sản "là không oan".

Về nội dung kháng nghị cho rằng, bản án kết luận Hồ Duy Hải có mặt tại hiện trường là không có căn cứ, không có chứng cứ nào khẳng định được Hải có mặt tại hiện trường, Quyết định giám đốc thẩm đánh giá như sau:

Nhận thấy, lời khai của những người làm chứng là anh Hồ Văn Bình, anh Đinh Vũ Thường, ông Nguyễn Văn Thu, bà Nguyễn Thị Rưởi và chị Nguyễn Thị Bích Ngân; lời khai của Hồ Duy Hải thể hiện:

Về phương tiện Hải sử dụng: Hải khai nhận, đi xe mô tô Dream màu nho đã cũ, có gương chiếu hậu bên trái, xe của bà Rưởi (khi về nhà lấy xe thì có sẵn chìa khóa cắm trên xe), khi vào Bưu điện Cầu Voi, Hải dựng xe ở bên phải, đầu xe hướng vào phía Bưu điện. Theo lời khai của anh Đinh Vũ Thường, khi vào Bưu điện anh dựng xe máy "kế 01 chiếc xe loại Dream đã cũ màu nho, bên trái xe có kính chiếu hậu màu đen loại theo xe nhưng gọn kính bị cắt cụt hơn kính theo xe mô tô; lời khai của ông Nguyễn Văn Thu và bà Nguyễn Thị Rưởi thể hiện, thường để xe mô tô Dream biển kiểm soát 62F5-0842 màu nâu cũ ngoài sân có cắm sẵn chìa khóa. Như vậy, lời khai của Hải về việc sử dụng xe máy nêu trên và địa điểm để xe máy khi đến Bưu điện Cầu Voi là phù hợp với lời khai của những người làm chứng.

Về tóc của Hải: theo lời khai của ông Nguyễn Văn Thu thì Hải để "tóc hai mái tém gọn, hơi dài, nhưng không dài lắm"; bà Nguyễn Thị Rưởi (là dì ruột của Hải) khai "Hải để tóc hai mái chẻ 6/4 hoặc 7/3". Anh Hồ Văn Bình mô tả đặc điểm của người thanh niên là "tóc cắt ngắn phía trước tóc chảy làn", anh Đinh Vũ Thường khai "Người thanh niên tóc 02 mái". Theo lời khai của Hải thì "trước khi gây án... tóc tôi để dài chẻ 6/4 còn đuôi tóc dài phủ gáy". Như vậy, lời khai của Hải phù hợp với lời khai của những người làm chứng về việc mô tả đặc điểm của Hải.

Về mô tả quần, áo: theo lời khai của anh Đinh Vũ Thường, tối ngày 13/01/2008, khi anh đến Bưu điện Cầu Voi gọi điện thoại thì thấy "Người thanh niên… mặc áo thun ngắn tay màu xám đen hoặc xanh đen có sọc trắng xen kẽ". Hồ Duy Hải khai nhận "mặc áo thun xanh lá cây trước ngực có mấy chữ màu trắng". Theo Bản tự khai của Hải thì sau khi gây án, Hải sợ bị phát hiện nên đã đem đốt quần áo ở ngoài vườn sau nhà. Cơ quan điều tra đã khám xét và thu giữ đống tàn tro. Căn cứ Biên bản mở niêm phong và Biên bản xác định đồ vật về các đồ vật thu giữ tại đống tàn tro, Cơ quan điều tra cho Hải nhận dạng và Hải xác nhận mảnh vải màu đen đã bị than hóa là vải của áo thun xanh đậm mặc khi gây án, mảnh vải nhỏ mầu trắng ngà là vải áo thun mặc khi gây án nhưng ở vị trí ngực có hàng chữ màu trắng. Như vậy, lời khai của Hải phù hợp lời khai của người làm chứng, kết quả khám xét, Biên bản mở niêm phong và Biên bản xác định đồ vật nêu trên.

Lời khai của Hải với lời khai của chị Nguyễn Thị Bích Ngân cũng phù hợp. Theo Bản tự khai ngày 05/7/2008 và lời khai ngày 27/6/2008, Hải khai nhận đưa tiền cho chị Vân đi mua trái cây về ăn (không nhớ rõ số tiền). Theo lời khai của chị Nguyễn Thị Bích Ngân, tối ngày 13/01/2008 "bán trái cây cho Vân... cô gái nói với tôi là có người đưa tiền em kêu em mua nên em mua nhiều... cô gái có nói với tôi là ở nơi làm có khách". Kết quả khám nghiệm hiện trường có 2 túi trái cây trên bàn salon, phù hợp với lời khai của Hải và lời khai của chị Ngân.

Lời khai của Hải về việc mô tả các phòng và đồ vật có trong Bưu điện Cầu Voi cụ thể, chi tiết, phù hợp với kết quả hiện trường vụ án về vị trí, đặc điểm các đồ vật trong phòng. Trong số những đồ vật mà Hải mô tả tại các lời khai có những đồ vật mang đặc điểm, màu sắc mà chỉ người có mặt tại hiện trường tiếp cận trực tiếp với đồ vật đó mới có thể mô tả cụ thể, chính xác như con gấu bông màu vàng xám, chiếc ly nước bằng thủy tinh, tấm nệm ga màu hồng đỏ trên giường ngủ, bịch trái cây; từ đó, đủ cơ sở xác định Hải có mặt tại hiện trường vụ án.

Do đó, Kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, không có nhân chứng và chứng cứ nào khẳng định và kết luận Hải có mặt tại hiện trường là không đúng.

Hải đã đến Bưu điện Cầu Voi vào thời gian nào?

Hồ Duy Hải thực sự có mặt tại hiện trường vụ án 12 năm trước? - Ảnh 2.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu quan điểm về vụ án.

Liên quan đến kháng nghị cho rằng, bản án kết luận Hải có mặt tại hiện trường vào khoảng 19 giờ 30 là không có căn cứ và Hải không thể có mặt tại Bưu điện Cầu Voi trước 19 giờ 39 phút 22 giây, Quyết định giám đốc thẩm cho thấy:

Theo lời khai của anh Hồ Văn Bình, đến Bưu điện Cầu Voi gửi xe "lúc đó đã hơn 19 giờ", thấy một thanh niên ngồi trên ghế salon nói chuyện với chị Hồng và khoảng ngoài 19 giờ 30 phút, anh Bình đến lấy xe vẫn thấy chị Hồng và người thanh niên đó ngồi nói chuyện. Anh Đinh Vũ Thường khai, anh đến Bưu điện Cầu Voi gọi điện thoại "lúc đó khoảng 20 giờ trở lại", nhìn thấy một thanh niên ngồi phía trong bưu điện; kết quả kiểm tra list điện thoại Bưu điện Cầu Voi cho thấy anh Thường thực hiện cuộc gọi điện thoại vào 19 giờ 39 phút 22 giây.

Căn cứ Biên bản kiểm tra thời gian ngày 14/7/2008 có sự tham gia của Viện kiểm sát và người chứng kiến ông Nguyễn Văn Thu thì đoạn đường từ tiệm cầm đồ Kim Hưng đến Bưu điện Cầu Voi là 7,5km, thời gian là 15 phút.

Do đó, nếu tính thời gian từ lúc 19 giờ 13 phút 39 giây, Hải nhận được điện thoại của anh Võ Lộc Đang (Hải khai nói chuyện với anh Đang khoảng 30 giây) với thời gian làm thủ tục cầm đồ (Hải khai làm thủ tục cầm đồ khoảng 05 phút) và thời gian từ hiệu cầm đồ qua các cung đường như Hải mô tả hết 15 phút thì thời gian Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi khoảng 19 giờ 34 phút 09 giây.

Điều này phù hợp với lời khai của Hải khai, khi đến bưu điện khoảng trên 19 giờ 30 phút và phù hợp với lời khai của anh Bình và anh Thường nhìn thấy 1 thanh niên ngồi trên ghế salon ở Bưu điện Cầu Voi.Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát cũng trả lời việc xác định thời gian Hải có mặt tại hiện trường (như cách tính trong kháng nghị), chỉ mang tính ước lượng chứ không mang tính khoa học.

Vì vậy, các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm kết luận Hồ Duy Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi khoảng 19 giờ 30 phút là có cơ sở. Kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng Hồ Duy Hải không thể có mặt tại Bưu Điện Cầu Voi trước 19 giờ 39 phút 22 giây là không có căn cứ.

Các dấu vết để lại trên mặt ghế là do Hải gây ra khi gây án

Kháng nghị cho rằng, diễn biến lời khai của bị cáo không phù hợp với thực tế khách quan, với hiện trường vụ án về vị trí và dấu vết trên chiếc ghế.

Tuy nhiên, theo lời khai của bị cáo tại các bản cung ngày 07/7/2008 và ngày 11/7/2008, sau khi dùng ghế đập đầu chị Vân trên phòng khách, Hải đem ghế để ở khu vực chân cầu thang, cạnh xác chị Hồng. Lời khai của Hải, Bản ảnh hiện trường và Biên bản khám nghiệm hiện trường thể hiện chiếc ghế nằm dưới nền nhà và nạn nhân Vân gác chân lên ghế. Những tài liệu này đều phản ánh đầy đủ trong hồ sơ vụ án, do vậy không cần thiết hủy án để điều tra làm rõ như kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã nêu.

Lời khai của Hải thể hiện, sau khi giết chị Hồng, chị Vân, Hải đi lên phòng giao dịch lấy tiền, sim card, điện thoại sau đó Hải đi dép vào rồi mới đến gầm cầu thang chỗ chị Hồng, chị Vân chết để lấy các đồ trang sức của chị Hồng, chị Vân.

Căn cứ vào Biên bản khám nghiệm hiện trường và bản ảnh hiện trường thể hiện: nền nhà có các hạt cơm, chiếc ghế xếp được nằm ngay sát vũng máu; căn cứ vào lời khai của Hải mô tả về đôi dép Hải sử dụng khi gây án (đôi dép xốp màu trắng, đế dép có rãnh đường gấp khúc chống ma sát); căn cứ lời khai của Hải, Biên bản khám nghiệm hiện trường, Bản ảnh hiện trường, thể hiện dấu vết dép trên ghế có cơ sở để nhận định, các dấu vết để lại trên mặt ghế là do Hải gây ra trong thời gian thực hiện hành vi gây án như lời giải trình của cơ quan điều tra tỉnh Long An tại phiên tòa giám đốc thẩm.

Mặc dù, Cơ quan điều tra không kết luận về những vết máu quệt, vết đế dép, hạt cơm khô có trên chiếc ghế do đâu mà có, nhưng xét thấy tình tiết này không có ý nghĩa trong việc khẳng định bị cáo Hồ Duy Hải có phạm tội hay không, nên không cần thiết điều tra lại để làm rõ hơn về tình tiết này.

Vì sao không có dấu vết máu trên cánh cổng và dấu vân tay của Hải?

Hồ Duy Hải thực sự có mặt tại hiện trường vụ án 12 năm trước? - Ảnh 3.

Kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng, khi cắt cổ chị Hồng, chị Vân máu bắn rất nhiều lên người bị cáo; sau khi gây án, bị cáo trèo cổng sau để đi ra cổng trước nhưng theo Biên bản khám nghiệm hiện trường thì trên cánh cổng sau không có bất kỳ dấu vết máu nào để lại.

Bản án giám đốc thẩm phân tích, theo lời khai của Hải tại Biên bản hỏi cung ngày 11/7/2008 thì sau khi cắt cổ chị Hồng, chị Vân máu bắn rất nhiều lên người Hải nhưng Hải đã vào nhà vệ sinh rửa dao và gột quần áo nên không để lại dấu vết máu khi Hải trèo cổng là không mâu thuẫn như kháng nghị giám đốc thẩm đã nêu.

Lời khai của Hải phù hợp với Biên bản khám nghiệm hiện trường không có dấu vết để lại. Chứng tỏ không có sự mâu thuẫn giữa lời khai của Hải với biên bản khám nghiệm hiện trường nên không cần phải điều tra lại về tình tiết này.

Về dấu vân tay thu được tại hiện trường, kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, dấu vân tay thu được ở hiện trường (cửa kính, vòi nước ở lavabo) không phải của Hồ Duy Hải, dấu vân tay của ai cũng chưa được làm rõ.

Theo trình bày của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An tại phiên tòa giám đốc thẩm và hồ sơ vụ án thể hiện, trong quá trình khám nghiệm hiện trường, Cơ quan điều tra phát hiện và thu giữ một số dấu vết đường vân tay ở mặt trong cửa kính trên cánh cửa sau và trên tay nắm mở vòi nước ở lavabo.

Cơ quan điều tra đã thu thập vân tay của khoảng 144 người nghi có liên quan để truy nguyên với các dấu vân tay thu tại hiện trường, nhưng không có kết quả trùng khớp. Bản kết luận giám định ngày 11/4/2008 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An kết luận: các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải. Như vậy, Cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra truy nguyên dấu vấn tay thu giữ tại hiện trường.

Tuy nhiên, việc không trùng khớp với dấu vân tay ở một nơi công cộng có nhiều người đã xuất hiện trước đó không phải là tình tiết ngoại phạm. Mặc dù, không phát hiện dấu vân tay thu được tại hiện trường trùng với dấu vân tay của Hải, nhưng căn cứ vào các lời khai nhận tội của bị cáo Hải phù hợp với bản ảnh hiện trường, biên bản khám nghiệm hiện trường, Biên bản giám định pháp y, lời khai của người làm chứng và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, đủ căn cứ xác định Hồ Duy Hải là người thực hiện hành vi phạm tội.

Theo quyết định giám đốc thẩm, lời nhận tội của bị cáo và những chứng cứ tài liệu thu thập được đã được các cơ quan tiến hành tố tụng từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm và Đoàn liên ngành thẩm định, đánh giá, khẳng định: do không đáp ứng được mục đích quan hệ tình dục với chị Hồng, bị chị Hồng phản ứng và đạp mạnh vào bụng của Hải do bực tức và sợ bị phát hiện nên đã giết chết chị Hồng. Khi chị Vân đi mua trái cây về phát hiện thấy xác của chị Hồng, Hải đã giết chị Vân để bịt đầu mối. Sau đó, Hải đã thực hiện việc chiếm đoạt tài sản.

Toà án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết án Hồ Duy Hải về tội "Giết người" và "Cướp tài sản" là có căn cứ, không oan; xử phạt Hồ Duy Hải tử hình về tội "Giết người" và 05 năm tù về tội "Cướp tài sản" là đúng pháp luật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước